Nơi ký ức tìm về
Xoay quanh chủ đề bữa cơm gia đình, triển lãm “Về nhà ăn cơm” tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội) do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp UNESCO tại Việt Nam tổ chức, không chỉ mang đến những món ăn thị giác với nhiều cung bậc cảm xúc, mỗi bức tranh là một thông điệp về gia đình đoàn tụ, sum vầy với những lời nhắn nhủ yêu thương.
Một góc trưng bày tại triển lãm “Về nhà ăn cơm”. |
Lồng bàn, chén bát, đũa thìa, cốc uống nước… cùng gần 30 bức tranh với các chất liệu thể hiện khác nhau, mô tả chân thực mâm cơm gia đình và các món ăn dưới góc nhìn của người trẻ.
Được bày biện trong hai không gian ấm cúng, thân thuộc là phòng bếp và phòng khách, các tác phẩm được in hình tròn, đặt lên mâm hoặc đĩa, bát cùng những âm thanh mô tả sinh động tiếng lách cách bát đĩa xô chạm, tiếng nấu nướng, chế biến thức ăn trong bếp tạo hiệu ứng cho người tham quan triển lãm như đang đứng ngay trong phòng ăn hoặc gian bếp ấm cúng nhà mình.
Mỗi góc nhỏ trong triển lãm “Về nhà ăn cơm” đều mang đến cảm giác quây quần, tụ họp bên mâm cơm với sự có mặt của các thành viên trong gia đình.
Không chỉ khám phá mâm cơm hằng ngày với các món dưa cà muối, thịt luộc, đậu rán, rau xào đến những mâm cỗ ngày Tết truyền thống với bánh chưng xanh, canh măng, nem rán, hành muối, hay món lẩu khi tụ họp gia đình…, mỗi bức tranh chứa đựng câu chuyện riêng của tác giả, những chia sẻ, cảm nghĩ về mâm cơm nhà.
Ở tác phẩm Cháo trứng, tác giả Lê Thị Anh Thư hồi tưởng ngày nhỏ khi bị ốm, mẹ vắng nhà, ba nấu cháo trứng cho ăn kèm một ly C sủi. Lúc đấy ba chỉ biết nấu cháo ăn liền. Bây giờ đã lớn, khi ốm vẫn được ăn cháo ba nấu, nhưng ba đã biết nấu từ gạo, lại có thêm rau xanh. Tác phẩm Cá kho của mẹ của tác giả Lê Ngọc Ánh lại kể câu chuyện của một người con xa nhà lên Hà Nội mưu sinh, tự lo mọi thứ cho bản thân.
Không còn được ăn những bữa cơm ấm cúng, sum vầy cùng gia đình, nhớ tiếng cười đùa nói chuyện của ba, của mẹ, nỗi nhớ nhà ùa về trong căn phòng trọ lạc lõng. Khi bị ốm do thay đổi thời tiết, mẹ lên chăm với một nồi cá kho to, dù trước đấy Ánh không thích ăn cá một chút nào, nhưng nồi cá hôm đó ngon vô cùng, ngon hơn tất cả những món đã từng ăn. Hay tác phẩm Chờ cơm của Đỗ Mai Anh mô tả cảm giác mong chờ con về nhà sau thời gian đi làm xa, với món dưa cà muối của mẹ, món lạc rang của bố. Món ăn chờ con giản dị vô cùng nhưng chứa đựng niềm vui hội ngộ và không khí đầm ấm của cả gia đình.
Tham quan triển lãm, người xem vô tình thấy mình ở đâu đó trong những cảm xúc và ký ức vui vẻ về bữa tiệc sinh nhật gia đình, về bữa cơm thời Covid-19 với tình cảm đong đầy và nỗi lo lắng của mẹ, là cảm giác ngon miệng khi ăn vụng món mẹ vừa nấu, là những hoài niệm về những bữa ăn xa nhà của những du học sinh, kỷ niệm thời nghèo khó với cơm cá gỗ.
Khai thác hình ảnh mâm cơm truyền thống của người Việt Nam nhưng triển lãm là nơi giãi bày những suy nghĩ, chia sẻ góc nhìn của người trẻ về giá trị của bữa cơm gia đình. Lê Nguyên Kha bộc bạch qua tác phẩm Bữa cơm nhà, đó không chỉ là nơi gần gũi của các thành viên trong gia đình mà còn là nơi gửi gắm tâm tư, hy vọng của thế hệ đi trước và thế hệ tiếp nối.
Các giá trị truyền thống không ở đâu xa mà chính là bữa cơm gia đình với những món ăn quen thuộc. Điểm nhấn của triển lãm chính là hàng trăm tờ giấy rực rỡ xanh, vàng, hồng ghi lại lời nhắn và những ký ức yêu thương, góp phần níu giữ người tham quan triển lãm nán lại lâu hơn.
Đó là những câu nói của bố, lời nhắc của bà, sự lo lắng của mẹ như ăn cơm cho chắc bụng, không ăn cơm sao không báo để dọn, hôm nay con nấu hơi khô… hay những cảm xúc thoáng qua rất nhanh như nhớ cơm bà nội nấu, dù các món mẹ nấu hơi mặn nhưng lúc nào cũng ngon nhất, nhớ cơm nhà thèm cá rán, mẹ ơi cho con xin bát cơm vơi vơi thôi…
Ở một xã hội có nhịp sống hối hả và bận rộn, triển lãm giúp cho giới trẻ nhận diện rõ các giá trị truyền thống gia đình, quý trọng và nâng niu những khoảnh khắc đầm ấm, sum họp bên mâm cơm cùng các thành viên. Mâm cơm gia đình không cần mâm cao cỗ đầy, mà ý nghĩa ở bữa cơm gia đình sum vầy.
Gần gũi, giản dị và yêu thương, triển lãm “Về nhà ăn cơm” như một thông điệp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống gia đình, đồng thời truyền cảm hứng tích cực để giới trẻ hướng về gia đình nhiều hơn, thông qua những bữa cơm nhà.
Ý kiến ()