Nói không với tiêu cực, tham nhũng
LSO-Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều lĩnh vực mà người dân thường xuyên phải đến cơ quan công quyền của nhà nước để liên hệ, đề nghị giải quyết công việc. Một trong những lĩnh vực mà số lượng công dân đến nhiều nhất là công tác chứng thực.
Cán bộ, công chức làm công tác này thường xuyên tiếp xúc với công dân, giải quyết công việc cho công dân. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng thì nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng (chủ yếu là tham nhũng vặt) là rất lớn. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Quan đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Cán bộ Tư pháp huyện Văn Quan tiếp công dân |
Bà Hà Thị Kim, thôn Bản Châu, xã Tri Lễ, huyện Văn Quan cho biết: năm nào, tôi cũng đến UBND xã làm thủ tục chứng thực các giấy tờ từ 1 đến 2 lần. Khi đến xã làm thủ tục chứng thực, tôi luôn được cán bộ tư pháp và lãnh đạo xã hướng dẫn rất tận tình, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn tất các thủ tục chứng thực.
Để làm tốt công tác chứng thực, từ năm 2004 đến nay, năm nào, Phòng Tư pháp huyện cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác chứng thực cho lãnh đạo UBND, cán bộ tư pháp – hộ tịch, văn phòng UBND các xã, thị trấn. Mỗi năm, các xã, thị trấn đều tổ chức được hơn 100 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lồng ghép về công tác chứng thực cho người dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực ở các xã, thị trấn đều nắm được và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong quá trình làm thủ tục chứng thực cho công dân.
Ở tất cả các xã, thị trấn hầu như ngày nào cũng có công dân đến làm thủ tục chứng thực. Nhiều xã vào những ngày cao điểm có đến gần 70 lượt công dân đến làm thủ tục chứng thực như: xã Yên Phúc, Tri Lễ, thị trấn Văn Quan… Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, không để công dân phải mất thời gian đi lại nhiều lần, hàng ngày, UBND các xã, thị trấn đều bố trí cán bộ trực, giải quyết công việc liên quan đến công tác chứng thực. Thường thì vào đầu năm học, ngày chợ phiên…, nhiều công dân đến làm thủ tục chứng thực. Vì vậy, nếu ngày chợ phiên trùng vào ngày nghỉ, có xã còn linh động phân công lãnh đạo, cán bộ trực, giải quyết công việc công dân như xã Tri Lễ.
Trong quá trình cán bộ làm thủ tục chứng thực, ngoài sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo của UBND xã, thị trấn đối với từng trường hợp cụ thể thì mỗi năm, Phòng Tư pháp huyện đều tổ chức được gần 10 cuộc kiểm tra toàn diện công tác tư pháp của các xã, thị trấn. Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết cán bộ phụ trách công tác chứng thực đều phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết công việc, đảm bảo công tác chứng thực được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài thu lệ phí chứng thực theo đúng quy định của nhà nước, tuyệt đối không có tình trạng lợi dụng công tác chứng thực để thu thêm tiền trái với quy định. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tự giám sát của người dân đối với cán bộ, công chức và thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã, huyện không có ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh, phàn nàn về tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chứng thực gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình làm thủ tục chứng thực cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, người nào đến trước được giải quyết trước. Tất cả các công dân có yêu cầu chứng thực đủ điều kiện đều được xem xét, giải quyết trong ngày. Tuyệt đối không gây phiền hà, khó khăn cho công dân.
Mặc dù số lượng việc chứng thực tăng cao qua các năm (năm 2013 gấp 3 lần so với năm 2008); từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã làm thủ tục chứng thực được trên 80.000 việc nhưng đều được giải quyết nhanh, gọn trong ngày, được tổ chức và công dân đánh giá cao. Qua đó, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan công quyền của nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()