Nơi hội tụ những người yêu hoa lan
LSO-Hội hoa lan Hữu Lũng chính thức đi vào hoạt động gần 4 năm nay, đây là sân chơi dành cho những người yêu hoa, muốn sưu tầm, bảo tồn những giống lan quý để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách. Cùng với đó, Hội còn là nơi để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan đem lại giá trị kinh tế cao.
Hội viên Hội hoa lan Hữu Lũng chăm sóc hoa
Tháng 6/2016, những người yêu thích hoa lan ở huyện Hữu Lũng đã thành lập Hội hoa lan. Với 12 thành viên ban đầu là những người bạn đam mê hoa lan, thích bảo tồn các giống lan quý, đặc biệt là lan rừng, đến nay, hội đã có 23 hội viên chủ yếu ở khu vực thị trấn Hữu Lũng và các xã lân cận.
Những ngày cuối tháng 3/2020 là thời điểm hoa lan đang nở rộ, chúng tôi có dịp đến thăm vườn lan của anh Trần Mạnh Thắng ở thôn Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, hội viên Hội hoa lan Hữu Lũng. Anh đang sở hữu hơn 6.000 giỏ lan với nhiều giống quý hiếm.
Anh Thắng chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê với hoa lan, năm 2013, tôi đã bỏ hết công việc tập trung sưu tầm, trồng các loài lan. Tôi yêu hoa lan và muốn tình yêu này được lan tỏa. Tham gia vào hội hoa lan tôi được gặp gỡ với nhiều người có cùng sở thích trồng hoa lan và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giống lan quý hiếm có giá trị kinh tế để nhân giống. Hiện nay, trong vườn tôi có nhiều giống lan rừng quý như: Nghinh Xuân, Phi Điệp, Hoàng thảo vôi, Kiều tím…”
Cũng như anh Thắng, khi tham gia hội hoa lan, các hội viên sẽ được chia sẻ kiến thức, hiểu biết mang tính khoa học về từng loại lan từ cách trồng, chăm sóc, khả năng thích nghi để chọn lọc loại lan phù hợp với điều kiện khí hậu, có khả năng sinh trưởng ở vườn nhà; thay đổi tư duy từ chỗ chơi lan đơn thuần sang nhân giống, bảo tồn; chia sẻ cách phát triển kinh tế từ trồng hoa lan…
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, hội còn tham gia các cuộc trưng bày, triển lãm hoa lan trong và ngoài tỉnh. Tại đây, hội viên có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm những giống lan quý để nhân giống đem lại thu nhập ổn định cũng như tìm kiếm thị trường (trung bình mỗi năm, hội tham gia 4 – 5 cuộc triển lãm). Nhờ đó, hiện nay, hoa lan Hữu Lũng không chỉ bán cho khách hàng trong tỉnh mà còn mở rộng ra toàn quốc. Theo đó, các mô hình trồng hoa lan của hội viên đem lại thu nhập khá cao, trung bình từ 200 – 400 triệu đồng/năm.
Anh Bùi Văn Nhượng, khu Tân Hòa, thị trấn Hữu Lũng hiện có trên 5.000 giỏ lan các loại, từ mô hình này đã đem lại cho anh thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề trồng lan, anh chia sẻ: “Tôi vốn là giáo viên công tác ở trường vùng 3, khi đó, thấy bà con đem lan rừng bán nhiều, hoa đẹp nên tôi mua về trồng thử. Từ đó, tôi bắt đầu mê hoa lan và trồng lan để bán. Qua quá trình tìm tòi, học hỏi, đến nay, tôi cũng có thể tự nhân giống nhiều loại lan quý hiếm”.
Theo chia sẻ của các hội viên hội hoa lan ở đây, hiện nay, khách mua lan đặc biệt thích các loại lan rừng. Nếu như loài lan ngoại với vẻ đẹp sang trọng, tao nhã thì loài lan rừng được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên, ra hoa đúng mùa, hoa nở dài ngày và mùi hương rất đặc trưng. Bởi vậy, Hội Hoa lan Hữu Lũng đặc biệt tập trung vào bảo tồn, phát triển các loại lan rừng.
Ông Hà Huy Hoàng, Hội trưởng Hội hoa lan Hữu Lũng cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng, phát triển hội hoa lan ngày càng vững mạnh, góp phần làm đẹp cho xã hội và đem lại thu nhập ổn định cho các hội viên. Bên cạnh đó, hội dự định xây dựng khu du lịch sinh thái, trong đó có hoa lan, bởi hoa lan dễ sống trên những thân cây tự nhiên và tạo khung cảnh đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách.
Bà Trần Thị Mơ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn thị trấn hiện nay có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó nổi bật là mô hình trồng hoa lan. Thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền đến các hội viên về hiệu quả kinh tế của mô hình để nhân rộng và đem lại thu nhập cao cho người dân.
Ý kiến ()