Nơi giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ
Ngay giữa Thủ đô Hà Nội có một điểm đến được nhiều người, đặc biệt là những ai ham hiểu biết về văn hóa yêu thích, đó là Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda do Đại sứ quán Ấn Độ thành lập.
Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda nằm đối diện Đại sứ quán Ấn Độ, trên đường Trần Hưng Đạo. Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc trung tâm cho biết: “Trung tâm giới thiệu nhiều lĩnh vực văn hóa Ấn Độ nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng mối quan hệ văn hóa hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam, bằng cách tăng cường hiểu biết thông qua việc tổ chức các chương trình văn hóa, tọa đàm, triển lãm ảnh, chiếu phim, diễn thuyết, hội thảo về nhiều lĩnh vực. Yoga là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Nhiều người Việt Nam đã đến tập luyện yoga tại đây để rèn luyện sức khỏe và tinh thần. Ngoài yoga, trung tâm còn giới thiệu các điệu múa cổ truyền Ấn Độ, nghệ thuật và triết học, ngôn ngữ Hindi và tiếng Phạn, y học cổ truyền, di sản chung về Phật giáo và Champa với Việt Nam…”.
Hoạt động thắp đèn để cầu phước lành trước các sự kiện văn hóa tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda. |
Tòa nhà Pháp cổ dưới tán những cây cổ thụ là một phần của Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda. Nơi đây có hàng trăm cuốn sách, là kho tri thức đồ sộ của đất nước 1,4 tỷ dân với nền văn minh sông Hằng. Những người yêu Phật giáo có lẽ không nên bỏ qua khu vực sách tiếng Phạn của trung tâm. Cùng với thư viện, các lớp dạy về văn hóa Ấn Độ thu hút khá đông người Việt Nam tham dự. Chúng tôi chọn một lớp học yoga để tìm hiểu về Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda. Đó là một căn phòng nhỏ, sạch sẽ, thoáng mát với thảm yoga được chuẩn bị đầy đủ. Lớp học có khoảng chục học viên với đủ lứa tuổi, giới tính. Cẩn thận chỉnh động tác cho từng học viên, cô giáo Apita Agarwal nhắc nhở: “Các bạn lưu ý, trong luyện tập yoga không nên tham tập động tác khó ngay để tránh dẫn đến chấn thương”. Cô Apita Agarwal rất vui tính và khả năng học tiếng Việt rất nhanh. Mới sang Việt Nam dạy yoga một thời gian ngắn nhưng vốn tiếng Việt của cô rất dày. Trong lớp, cô sử dụng tiếng Việt xen với tiếng Anh để giảng dạy. Việc dạy yoga giúp cô giao lưu với nhiều bạn bè Việt Nam và tìm hiểu được nhiều nét văn hóa thú vị. Cô chia sẻ đã đến một vài điểm du lịch và rất thích phong cảnh đất nước cùng con người Việt Nam thân thiện.
Tham gia nhiều lớp học yoga ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Có rất nhiều khác biệt khi học yoga tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda. Ở một số trung tâm yoga khác, kể cả những nơi có thầy, cô giáo người Ấn Độ dạy nhưng không ở đâu tôi được giới thiệu kỹ về lịch sử hình thành, phát triển của yoga như ở trung tâm này. Chúng tôi cũng được tham gia khá nhiều hoạt động về yoga do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tổ chức”. Là một người trẻ tham gia yoga đã có thâm niên, anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Tôi thích học yoga ở đây không chỉ vì có cơ hội biết rõ, hiểu kỹ hơn về yoga mà thông qua các hoạt động tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, tôi còn biết thêm khá nhiều điều thú vị về văn hóa Ấn Độ. Học tiếng Phạn, học múa Kathak và dân gian Ấn Độ cũng là những lớp học khá hấp dẫn”.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/noi-giao-luu-van-hoa-viet-nam-an-do-737168
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()