Nơi gắn kết tình làng
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại nhà văn hóa thôn Ngã Tư, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia |
GẮN KẾT TÌNH LÀNG
Nhà văn hóa thôn Ngã Tư đặc biệt nhất trong số các nhà văn hóa thôn ở xã Tô Hiệu. Đặc biệt bởi nó không phải là nhà xây mà là nhà sàn, đúng kiểu nhà sàn truyền thống của Bình Gia. Tính cả khuôn viên, nhà văn hóa rộng trên 260 mét vuông, đất do nhân dân tự mua, tính đến lúc hoàn thiện, mỗi hộ gia đình trong thôn đóng góp 2,2 triệu đồng (thôn có 117 hộ). Vị trí của Ngã Tư ngay sát với trung tâm huyện, bởi thế đặc thù của nơi này không khác phố là mấy. Phần lớn các gia đình làm dịch vụ, buôn bán. Trưởng thôn Nông Ngọc Thạnh kể: có gia đình cứ 6 giờ sáng, cả nhà đi làm tối mịt mới về; làm ăn buôn bán quanh năm, thời gian cho làng, xóm cũng dần ít đi. Mặt trái dễ nhận thấy nhất trong quá trình đô thị hóa là con người bị cuốn theo việc, tình làng nghĩa xóm dần dà không còn được như xưa. Muốn gắn kết, muốn bàn bạc việc thôn… thì phải có nơi sinh hoạt cộng đồng. Việc này khó, bởi trước đây thôn Ngã Tư không có nhà văn hóa. Đầu năm 2011, hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Ngã Tư đóng góp 50 triệu đồng mua 260 mét vuông đất giáp chân núi đá. Rồi chung sức san, gạt tạo mặt bằng sạch. Cuối năm 2011, nhà văn hóa hoàn thành. Không chỉ là nhà sàn độc đáo mà trong khuôn viên nhà văn hóa có cả sân chơi thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền. Đến thăm nhà văn hóa thôn Ngã Tư, Cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương ông Lê Huy Ngọ đã thốt lên: đây là nhà văn hóa đạt chuẩn chứ còn gì nữa. Chuẩn không chỉ ở quy mô mà còn chuẩn cả trong việc sử dụng. Nhà văn hóa thôn Ngã Tư ngoài để họp thôn hàng tháng còn được sử dụng hàng ngày để nhân dân tập luyện thể thao, tổ chức đám cưới, luyện tập văn nghệ…. Trưởng thôn Nông Ngọc Thạnh tự hào: nhà văn hóa đã thực sự trở thành nơi gắn kết cộng đồng, thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm. Giờ nhà nào có việc, cứ thông báo ở nhà văn hóa, cả thôn chung tay vào giúp; thôn cần huy động bê tông hóa tuyến đường, bàn ở nhà văn hóa một loáng là bà con hưởng ứng…
VIỆC TỐT LAN NHANH
Chị Hà Thị Tiên, cán bộ văn hóa xã cười tươi: việc tốt lan tỏa nhanh lắm anh ạ, cùng với thôn Ngã Tư, nhân dân các thôn khác trong xã đồng lòng hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nhà văn hóa thôn, mà xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, sử dụng cũng “chuẩn” luôn.
Từ xã có ít nhà văn hóa thôn và cũng chưa có nhà nào đạt chuẩn, trong vòng 4 năm trở lại đây, nhân dân xã Tô Hiệu đã chung sức xây dựng được 15 nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa đã phủ kín các thôn trong xã. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã tính nhẩm: tổng giá trị xây dựng các nhà văn hóa này lên đến hơn 3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tới gần 2 tỷ đồng, hơn 1.200 ngày công; các doanh nghiệp ủng hộ trên 700 triệu đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Có nhà văn hóa, toàn xã xây dựng được câu lạc bộ bảo tồn dân ca; đội văn nghệ người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ và 15 đội văn nghệ ở các thôn. Các hoạt động văn nghệ quần chúng được củng cố, bản sắc văn hóa được duy trì thông qua lớp dạy hát then tại các nhà văn hóa. Cũng từ nhà văn hóa thôn, người dân đã bàn bạc, thống nhất các “quyết sách” quan trọng. Qua đó củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Tô Hiệu đã đạt mức 17,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,8%; cận nghèo còn 1,1%… Những con số ấn tượng ấy đã góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Tô Hiệu. Hiện nay xã đã đạt 15 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều ở mức gần đạt. Và đây cũng là xã được Ban chỉ đạo tỉnh đánh giá là xã có khả năng về đích cao nhất trong năm 2015.
Ý kiến ()