Sáng nay, 27-10, nhiều quận nội đô Bangkok còn khô ráo. Chỗ chúng tôi làm việc (một trong những quận nội đô Bangkok) cách chỗ nước lụt khoảng 4 km trên phía bắc. Trung tâm Bangkok, phía sông Chao Phraya nước đang từ từ dâng. Đường phố quanh khu Đại điện và chùa Phật ngọc (trái tim của Bangkok) đã ngập nước. Những kè tạm bao cát không chặn được lũ dữ, nhưng cũng chặn bớt “sức nước vỡ bờ”, kéo dài được thời gian cho người Bangkok ứng phó. Bangkok chưa tuyệt vọng, bó tay đầu hàng. Nước đang tăng áp lực ba phía, cứ điểm Bangkok trong trận lụt lịch sử ở miền trung Thailand có thể bị nước tràn trong vòng kiểm soát, sân bay quốc tế Suvarnabhumi, lô cốt cuối cùng của Bangkok đang được người Thái quyết giữ khô, không chịu hoàn toàn thất bại.
Thủ tướng Thailand Yingluck thông báo, cơ hội kiểm soát lũ cho Bangkok vẫn là 50/50, Bangkok không tránh khỏi ngập những ngày tới, do nhiều yếu tố mới làm trầm trọng thêm tình hình, rất khó khăn để chống đỡ, chính phủ sẽ nỗ lực tối đa bơm, thoát nước khỏi thủ đô một cách nhanh nhất.
Những nỗ lực và con mắt của người Bangkok đang hướng về những kè chắn cố định hay tạm dựng phía đông, phía bắc và phía tây thành phố. Kịch bản tệ nhất, các kè chắn sụp nhanh, nước sẽ ngập Bangkok từ 10 cm đến 2 m tùy theo độ cao của từng khu vực (độ cao trung bình của Bangkok khoảng 2 m trên mực nước biển). Giao thông ngưng trệ, chỉ còn đường cao tốc và trên cao có thể đi lại. Nếu điện và nước bị cắt thành phố tê liệt, không giữ được sân bay quốc tế, Bangkok bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Kè tạm cả ba mặt của phần Bangkok chưa ngập đang được gia cố, nhiều đoạn bị nước phá thủng, nhanh chóng được hàn gắn. Bangkok đang đón nhận các bao cát từ các tỉnh và cả nước ngoài để đắp thêm vào kè từ các Sân bay Don Mueang (nơi đặt bản doanh Trung tâm hoạt động cứu trợ-FROC) bị nước thấm đã phủ khắp nơi, xung quanh mực nước dâng cao từ 50 cm đến gần 1 m. Hơn bốn nghìn người trong trại tránh lũ được sơ tán ra các tỉnh khác, FROC tiếp tục hoạt động và có kế hoạch tìm kiếm vị trí mới, nếu nước vẫn dâng. Bảy tuyến đường chính phía bắc nội đô và gần sân bay ngập nước, không thể đi lại.
Bản đồ dự kiến tình huống ngập lụt của Bangkok được các phương tiện truyền thông đăng tải, các khu vực ngập từ 1 m nước trở lên được lệnh khẩn cấp sơ tán. Tất cả bệnh nhân nặng của các bệnh viện trong Bangkok đã được đưa ra các tỉnh khác. Những người Bangkok có điều kiện đi tránh lũ lụt nhanh chóng rời khỏi thành phố, về quê hay đến ở chật kín các nhà nghỉ, khách sạn của thị trấn nghỉ mát Hua Hin và Pattaya. Khách sạn, nhà nghỉ dành phần lớn diện tích hạ giá một nửa cho người tránh lũ tạm thời hoặc kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Nhiều gia đình đã gửi trẻ em và người cao tuổi khỏi thành phố. Bến xe đi các tỉnh, các chuyến bay nội địa đông khách chưa từng thấy, nhiều người sẵn sàng chờ đợi một vài ngày để thoát khỏi Bangkok. Khách du lịch ngoại quốc hối hả rời Thailand hoặc rời Bangkok đi các tỉnh khác, sân bay quốc tế chật cứng người.
Lũ đồng bằng do lượng nước trên thượng nguồn và trung lưu đổ về thoát không kịp gây ngập lụt vùng hạ lưu. Mức độ ngập lụt tùy thuộc vào nguồn nước trên cao và khả năng thoát lũ. Nhiều đập nước lớn (trong đó có đập chứa tới 13 tỷ m3) tiếp tục xả gần 100 triệu m3 ngày, khi đã quá sức chứa, góp nước thêm cho dòng lũ. Khả năng thoát lũ ra ba sông chính cho miền trung đã đạt 520 triệu m3 ngày.
Cục Thủy lợi Hoàng gia (RID) dự báo cần thời gian từ 30 đến 45 (đến giữa tháng 12 tới) mới thoát hết nước lũ từ miền trung và Bangkok. Cục Quản lý Đô thị Bangkok có khả năng thoát nước 10 triệu m3 ngày (bơm được khoảng 1,6 triệu m3, còn lại thoát tự nhiên ra biển). Việc thoát lũ ra phía đông qua sông Bang Pakong và phía tây qua sông Thachin khó khăn do địa hình. Hai con sông này nằm ở độ cao hơn so với dòng Chao Phraya, chảy qua Bangkok. Việc tiêu thoát lũ sẽ chậm đi khi đỉnh triều cường dự báo đạt mức 2,65m (kỷ lục quan trắc tại Bangkok) trong vài ngày tới. Trong lúc con kè xi măng trên bờ sông xây cao 2,5 m, đã được tâng thêm bao cát lên 2,8 m.
Ô nhiễm vùng miền trung Thailand và quanh Bangkok nẩy sinh, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã và Bộ Quốc phòng bắt đầu sử dụng vi sinh vật tăng tốc phân hủy để xử lý nước ô nhiễm trên vùng có diện tích 2,34 triệu rai (1 rai bằng 1.600m2) trong tất cả các tỉnh bị ngập lụt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong vùng miền trung Thailand đang ở mức rất cao. Vài ngày qua, nguồn nước máy ở Bangkok có dấu hiệu xuống cấp rõ, đục hơn, hiếm dần, tuy được nhà chức trách khẳng định, còn trong giới hạn được coi là an toàn.
Chính quyền đã giảm số lượng các mặt hàng thiết yếu bị kiểm soát giá cả từ 57 còn 16, một cách cho phép thả giá theo quy luật thị trường cung-cầu, trong thời buổi khó khăn về nguồn cung và vận chuyển này. Nhiều mặt hàng khan hiếm, tăng giá nhanh, như rau xanh, các loại thủy, hải sản…Tại các siêu thị, những loại hàng tích trữ lâu dài như mì tôm, gạo, đồ hộp, nước uống…đã xuất hiện bán trở lại, tuy không phổ biến tại mọi nơi, mọi chỗ. Thailand cho phép nhập khẩu hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu (những mặt hàng thường xuất khẩu) do nguồn cung thiếu (hàng chục nghìn nhà máy, doanh nghiệp trong vùng lũ đã ngừng hoạt động).
Bangkok là trung tâm chính trị, văn hóa-lịch sử, tài chính-ngân hàng, cùng với vùng miền trung và miền đông chiếm tới 60 % nền kinh tế cả nước, riêng Bangkok 25%. Bangkok còn là trung tâm du lịch, kinh doanh, giao thông và phân phối cho cả nước. Việc để Bangkok ngập lụt là thua thiệt rất lớn cho Thailand về kinh tế và hình ảnh nước này. Thoát lũ đang là bài toán khó. Từ trước tới nay, Thailand thường chú trọng việc cấp nước do thời gian mùa khô kéo dài và thường xẩy ra đại hạn, chống lũ lụt nước này chưa nhiều bề dày kinh nghiệm. Đại hạn khốc liệt, nhưng thiệt hại về người và của không nhiều, lũ lụt ít gặp nhưng ngược lại sức tàn phá lớn “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước đang được dư luận bàn thảo, khi lĩnh vực này bất cập, lạc hậu. Tác động của thời tiết, của biến đổi khí hậu và vai trò của con người trong việc khai thác, điều tiết nước của khoảng 400 đập với sức chưa tới 74 tỷ m3 nước cũng được giới chuyên gia mổ xẻ (trong lúc khoảng 16 tỷ m3 đã làm điêu đứng miền trung và Bangkok). Khả năng đối phó, cứu trợ thiên tai (cụ thể lúc này là lũ lụt) của Thailand được các nhà chuyên môn đề cập, khen chê. Đến nay ghi nhận 373 người chết trong trận lũ lụt kéo dài ba tháng qua, trong đó có nhiều người bị điện giật.
Ý kiến ()