Nỗi đau từ di chứng chất độc da cam
LSO-Khi bạn bè cùng trang lứa đang náo nức đến trường học, được vui chơi thì em Nguyễn Lê An (sinh năm 1998), thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chỉ suốt ngày ở nhà, thi thoảng la hét ầm ĩ và không thể tự vệ sinh cá nhân. Bởi em bị di chứng chất độc da cam từ người bố để lại.
Ông Nguyễn Trung Thuyên, chăm sóc con trai Nguyễn Lê An bị nhiễm chất độc da cam |
Qua lời giới thiệu của ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Lạng Sơn, chúng tôi biết đến hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Trung Thuyên (sinh năm 1947 – là bố của em Nguyễn Lê An), quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông Thuyên nhập ngũ năm 1965, tiểu đoàn 14, Binh Trạm 31, Đoàn 559, thuộc chiến trường B. Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, năm 1978, ông chuyển về công tác tại Công ty xi măng Quốc phòng thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1986, ông mới lập gia đình với bà Lê Thị Thu, quê Văn Quan, công tác tại Trạm Thú y Hữu Lũng và vợ chồng sinh sống tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Năm 2012, vợ chồng ông quyết định chuyển nhà lên xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn sinh sống.
Năm 1987, vợ chồng ông sinh con trai đầu lòng, nhưng chỉ ở lại với vợ chồng ông được một tháng rồi mất. Ba năm sau, vợ chồng ông mới quyết định sinh người con thứ hai là Nguyễn Lê Na và đến năm 1998 mới sinh cậu con trai út Nguyễn Lê An.
Cô con gái Nguyễn Lê Na (sinh năm 1990) không bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, đã tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên từ năm 2015 nhưng chưa xin được việc làm. Lê Na lập gia đình ở Hà Giang và đã sinh con được hơn 2 tuổi, rất may mắn cháu không bị di chứng của chất độc da cam. Còn cậu con trai út Nguyễn Lê An, năm nay đã 18 tuổi nhưng nhận thức vẫn như một đứa trẻ mới lên 3 tuổi. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải qua đôi tay chăm sóc của bố mẹ.
Bà Lê Thị Thu cho biết: Cháu Lê An sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến 3 tháng tuổi thì cháu có những biểu hiện khác thường, sức khỏe yếu, chậm phát triển nên vợ chồng tôi đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi khám mới biết cháu mắc bệnh Lao, do bị di chứng của chất độc da cam. Đến 3 tuổi cháu mới ngồi được và mọc răng, lên 6 tuổi thóp đầu mới liền. Năm nay cháu đã 18 tuổi nhưng mỗi lần tắm, vệ sinh cá nhân thì vợ chồng tôi phải thay phiên nhau làm.
Năm 2005, em Lê An đã được hưởng trợ cấp của Nhà nước dành cho người bị nhiễm chất độc da cam, thế nhưng bản thân ông Thuyên (người trực tiếp tham gia chiến đấu tại vùng bị rải chất độc hóa học) lại chưa được hưởng chế độ trợ cấp này. Mặc dù từ nhiều năm nay, ông đã làm hồ sơ, thủ tục lên các cấp, ngành chức năng liên quan để xin hưởng chế độ thế nhưng đến nay vẫn chưa một lần ông Thuyên được đi giám định sức khỏe và chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.
Hiện nay, sức khỏe của ông Thuyên ngày càng yếu, thường xuyên bị đau lưng và rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, còn bà Thu thì mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính từ một năm nay, con gái của ông bà lại lập gia đình xa nhà nên hoàn cảnh gia đình đang gặp nhiều éo le. Tình trạng bệnh tật của em Lê An ngày càng theo chiều hướng xấu, tính tình ngày càng thất thường, la hét ầm ĩ. Ông Thuyên lo nhất là vợ chồng ông tuổi đều đã cao, không còn đủ sức để chăm sóc con.
Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, ông Thuyên vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước là một điều thiệt thòi cho bản thân và gia đình ông ấy. Do vậy tôi rất mong các cấp, ngành tạo điều kiện quan tâm cho gia đình để họ có cuộc sống ổn định hơn.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()