Nỗi đau ngày trở về
(LSO) – Nếu như nhiều trường hợp trở về nước vui mừng khi được đoàn tụ với gia đình, thì có những nạn nhân bị mua bán và trả từ Trung Quốc về Việt Nam với một tinh thần bị hoảng loạn, trầm cảm, không còn nhớ nổi quê quán. Thậm chí, do không kiểm soát được bản thân, có người đã gây ra những vụ việc đau lòng…
Khoảng 11 giờ ngày 17/5/2020, khi cháu T.T.G, sinh năm 2020, đang nằm trên giường thì mẹ đẻ là T.T.C (sinh năm 1987) trú tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình bất ngờ dùng dao nhọn đâm vào vùng bụng khiến cháu tử vong. Sau đó, mọi người trong gia đình và hàng xóm dùng dây trói chân, tay của C lại và báo công an. Theo tìm hiểu, cháu G là con của C với một người đàn ông Trung Quốc. Trước đây, C bị lừa bán ra nước ngoài, khi trở về có biểu hiện bị bệnh tâm thần, trầm cảm.
Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân là nạn nhân bị mua bán trở về
Cũng là nạn nhân bị mua bán trở về, có biểu hiện trầm cảm, chị N.T.D, sinh năm 1977 đang được điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Mái tóc ngắn như đàn ông, ai hỏi gì chị cũng không nói, chỉ cười và ôm đứa con nhỏ. Được biết, chị D bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 1998 và được bàn giao trả về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc vào ngày 23/9/2020. Khi mới tiếp nhận, trường hợp này rất khó tiếp xúc, phải quan tâm và kết hợp tra cứu thông tin trên mạng Internet, những người làm việc ở đây mới tìm được tung tích của gia đình chị ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở bên kia biên giới, chị đã có 6 người con với nhiều người chồng Trung Quốc.
Bà Lưu Hải Châu, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Từ tháng 2/2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nữ từ Trung Quốc được trao trả về. Trong số đó, có gần 50 bệnh nhân tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần (cao điểm nhất có tới 8 bệnh nhân/đợt tiếp nhận và điều trị). Khi mới vào viện, rất nhiều trường hợp có tinh thần không ổn định, hay đập phá, không nhớ tên tuổi, địa chỉ quê quán…
Qua tìm hiểu được biết, trong số các nạn nhân nữ được trả về từ Trung Quốc thì trước đó đa phần họ là người bị ép làm gái bán dâm, đẻ thuê hoặc bị bạo hành, có cuộc sống khổ cực. Ám ảnh nặng nề từ quá khứ khiến họ luôn sống trong sự kích động, hoảng loạn. Trước thực tế trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động phát hiện ngăn chặn, quyết liệt đấu tranh và xử lý các vụ mua bán người qua địa bàn. Trong 4 năm trở lại đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, phối hợp đấu tranh làm rõ hơn 30 vụ, hơn 50 đối tượng mua bán người, giải cứu hơn 80 nạn nhân. Nhiều vụ việc được điều tra làm rõ, khởi tố và đưa ra xét xử lưu động đã góp phần răn đe, phòng ngừa chung.
Sau khi được giải cứu, tiếp nhận, các nạn nhân được các cấp, ngành quan tâm chăm sóc, động viên. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, cơ sở luôn quan tâm thực hiện công tác tiếp nhận, chăm sóc và hỗ trợ các nạn nhân theo đúng quy định. Từ đầu năm 2020 đến nay, cơ sở tiếp nhận, chăm sóc và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho 9 nạn nhân trở về với gia đình, địa phương.
Từ thực tế trên cho thấy: để giảm thiểu nỗi đau của nạn nhân bị mua bán khi trở về địa phương thì các cấp, ngành và lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người để Nhân dân đề cao cảnh giác, phòng tránh. Trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm như: khu vực biên giới, đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em. Người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em cần đề cao cảnh giác, không xuất cảnh trái phép. Cùng đó, cộng đồng và gia đình nạn nhân cần quan tâm chăm sóc, giúp nạn nhân sớm ổn định sức khỏe, tâm lý, giúp họ quên đi nỗi đau trong quá khứ, hòa nhập cuộc sống mới.
Ý kiến ()