Nỗi đau không của riêng ai
LSO- Chiến tranh đã lùi xa hơn 41 năm, nhưng trong cuộc sống thanh bình hôm nay vẫn còn âm ỉ những nỗi đau, những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam bất hạnh – hậu quả của chiến tranh mang lại.
Những hoàn cảnh
Tháng 7/1968, chàng thanh niên Hà Văn Mao, thôn Khe Cháy, xã Thái Bình, huyện Đình Lập xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, để lại 4 đứa con thơ dại. Sau khi huấn luyện tại Đông Triều, Quảng Ninh, chàng thanh niên cùng đồng đội hành quân vào Nam nhập đoàn quân chiến đấu của Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4 tại các mặt trận Tây Ninh, Phước Long, Bình Phước. Sau hơn 8 năm chiến đấu, anh phục viên trở về địa phương. Giờ đây, ông Mao đã ngoài 70 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam. Ông chia sẻ: 4 đứa con lớn của tôi do đẻ trước khi tôi đi lính nên không bị nhiễm, nhưng đứa con gái út (sinh năm 1977) thì bị nhiễm chất độc da cam, bây giờ người còi cọc, đầu óc không được minh mẫn. Hằng ngày tôi phải tự tay chăm sóc đứa con gái của mình. Mặc dù cả hai bố con được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, mỗi tháng hơn 3 triệu đồng nhưng vẫn rất khó khăn. Tôi chỉ mong Nhà nước có trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam bởi sức khỏe tôi ngày càng suy yếu, về lâu dài không thể ở bên chăm lo cho con gái được.
Ông Trương Đức Minh ở Bản Kho, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình thì lại có hoàn cảnh khác. Ông sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, nhập ngũ tháng 7/1968 cho đến năm 1974 thì xuất ngũ. Trong thời gian tại ngũ, ông chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, bị thương và mang di chứng của chất độc da cam. Ông có 3 người con thì chỉ người con cả ( sinh năm 1966) là không bị nhiễm, còn lại 2 người con sau này đều bị nhiễm, trong đó một người con sinh năm 1975 đã chết khi mới được 5 tuổi, con út (sinh năm 1977) đã có vợ và 1 con, nhưng trong bụng bé có khối u nang bởi di chứng của chất độc da cam mà ông nội và bố cháu mang lại. Gia đình cũng gặp nhiều khó khăn.
Các đồng chí lãnh đạo Hội NNCĐDC tỉnh và huyện Đình Lập thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam Hà Văn Mao, thôn Khe Cháy, xã Thái Bình, huyện Đình Lập
Còn trường hợp ông Trịnh Tư Tươi, khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, chỉ cần nói đến con thôi thì 2 vợ chồng đã không kìm nổi xúc động. Ông Tươi đi bộ đội tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị từ năm 1971-1977. Ông có 4 người con thì cả 4 đều nghi nhiễm chất độc hóa học dioxin, trong đó 3 người đã chết. Hiện nay nhà cửa của gia đình ông đã xuống cấp, rất mong được các cấp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để sửa sang lại kiên cố.
Khó có thể kể hết từng số phận, từng hoàn cảnh của hơn 800 nạn nhân châtất độc da cam đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước và còn hơn 4.000 trường hợp nghi phơi nhiễm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bởi di chứng lây sang từ thế hệ thứ nhất, thứ hai. Ông Vi Xuân Việt, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đình Lập cho rằng: Đa số hộ có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đều gặp hoàn cảnh khó khăn, mặc dù huyện đã có nhiều cố gắng nhưng nguồn quỹ hạn hẹp, chỉ đủ cho việc tặng quà vào các dịp lễ, tết, còn hỗ trợ làm nhà cho nạn nhân hội không đủ khả năng. Hiện tại trên địa bàn huyện Đình Lập còn 5 nạn nhân da cam khó khăn về nhà ở.
Cần sự cảm thông, chia sẻ
Ông Phạm Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Trong số hơn 4.000 nạn nhân nghi phơi nhiễm chất độc da cam mà ngành chức năng thống kê được chỉ là con số tương đối, con số này thường tăng lên hằng năm, một phần do trước đây Nhà nước chưa có chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam nên họ thường không đến khám, phát hiện, điều trị, chỉ đến khi có chế độ thì con số này mới tăng lên. Mặt khác, do phong tục tập quán, do sự kỳ thị của xã hội nên nạn nhân biết mình có thể bị nhiễm nhưng cứ phải sau khi con cái dựng vợ, gả chồng rồi mới đi khám và đòi hỏi chế độ. Bản thân nạn nhân cũng thường tự ti, mặc cảm, sống khép mình nếu biết mình là nạn nhân chất độc da cam.
Năm nay kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam (10/8/1961-10/8/2016), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã dành một phần kinh phí đóng góp của xã hội tặng 821 suất quà cho 821 nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh, mỗi suất quà từ 300 đến 500 nghìn đồng. Món quà không lớn nhưng góp phần động viên tinh thần các nạn nhân, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.
Bài, ảnh: PHÙNG KHIÊM
Ý kiến ()