Nỗi đau da cam và nỗ lực đẩy lùi tàn dư quá khứ
Chiến tranh đã thuộc về quá khứ nhưng vẫn còn đó... nỗi đau da cam trong cuộc sống hòa bình hôm nay. Giải quyết hậu quả tàn khốc của chất độc da cam/dioxin đang đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan trên tinh thần nhân đạo vì một môi trường sống trong sạch cho tất cả mọi người. Nỗ lực đó bước đầu đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ...Đến khi nào thì những vùng đất sẽ sạch chất độc hóa học? Đến khi nào thì những vết thương vì chất da cam/dioxin sẽ lành? Đó là những câu hỏi không chỉ của những người không may mắn và những người may mắn có cuộc sống bình thường sau chiến tranh mà còn là nỗi trăn trở của những người đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hậu quả chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt NamVới khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, chứa ít nhất 366 kg dioxin, cuộc chiến tranh chất da cam/dioxin do Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam là cuộc chiến...
Chiến tranh đã thuộc về quá khứ nhưng vẫn còn đó… nỗi đau da cam trong cuộc sống hòa bình hôm nay. Giải quyết hậu quả tàn khốc của chất độc da cam/dioxin đang đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan trên tinh thần nhân đạo vì một môi trường sống trong sạch cho tất cả mọi người. Nỗ lực đó bước đầu đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ...
Đến khi nào thì những vùng đất sẽ sạch chất độc hóa học? Đến khi nào thì những vết thương vì chất da cam/dioxin sẽ lành? Đó là những câu hỏi không chỉ của những người không may mắn và những người may mắn có cuộc sống bình thường sau chiến tranh mà còn là nỗi trăn trở của những người đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hậu quả chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam
Với khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, chứa ít nhất 366 kg dioxin, cuộc chiến tranh chất da cam/dioxin do Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
![]() |
Hàng triệu người dân trên khắp các vùng miền của Việt Nam đã và đang là những nạn nhân của chất da cam/dioxin (Ảnh: VTV) |
Sự tồn lưu của dioxin với nồng độ cao và rất cao (gấp hàng trăm lần nồng độ cho phép của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ) trong môi trường, động vật và con người hiện nay tại một số vùng nóng chứng minh hậu quả lâu dài của chất da cam/dioxin và khẳng định nguồn gốc dioxin từ chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng.
Hơn 2 triệu ha rừng nội địa và rừng ngập mặn bị hủy hoại do chất da cam khó phục hồi hoặc chậm phục hồi; tính đa dạng sinh học bị suy giảm; một số loài động vật và thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng hoặc suy giảm.
Các công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Việt Nam và một số nhà khoa học nước ngoài thực hiện, trong đó có công trình nghiên cứu dịch tễ học ở hơn 47.000 cựu chiến binh, khẳng định cơ cấu, tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt các bệnh ung thư, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh ở thế hệ con và cháu của những người có tiền sử phơi nhiễm chất da cam/dioxin cao hơn hẳn so với nhóm không tiếp xúc với chất da cam/dioxin.
Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc do con người tìm ra và tạo ra. Dioxin có trong chất da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ người khuyết tật của Việt Nam rất cao. Cho đến nay, hàng triệu nạn nhân chất da cam/dioxin với nhiều loại chứng bệnh khác nhau như: ung thư, suy giảm miễn dịch, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh,….
Chiến tranh đã lùi xa nhưng chất dioxin vẫn tiếp tục gây tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam, đặc biệt là ở những nơi trước đây quân đội Mỹ đã sử dụng làm cơ sở cho chiến dịch “Ranch Hand”. Đó là các khu vực kho chứa, nạp và rửa máy bay sau khi phun rải các chất diệt cỏ tại sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Những kết quả phân tích gần đây cho thấy, nồng độ dioxin trong đất tại các khu vực này cao trên hàng trăm nghìn ppt, cá biệt có mẫu cao đến hàng triệu ppt (tại vùng chảy tràn của các thùng chứa chất diệt cỏ). Quy mô, mức độ ô nhiễm của dioxin ở sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát đã được xác định. Tại sân bay Biên Hòa, tình hình phức tạp và khó khăn hơn nên quy mô, tính chất ô nhiễm dioxin tại đây chưa được xác định đầy đủ và rõ ràng.
Những điểm nóng “da cam”
Là các vị trí của chiến dịch Ranch Hand cũ, ba sân bay này được xác nhận là các điểm nóng dioxin của cả nước. Tính đến năm 2010, dioxin vẫn tiếp tục đi vào hệ sinh thái dưới nước, môi trường nói chung và trong chuỗi thức ăn trong và xung quanh sân bay quân sự Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa. Nồng độ dioxin trong các mẫu đất và trầm tích tại cả ba căn cứ này đều vượt quá ngưỡng cho phép với chất độc hóa học theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
![]() |
Khu vực sân bay Đà Nẵng là một trong những điểm nóng về chất dacam/dioxin (Ảnh: USAID) |
Riêng ở Đà Nẵng, ngoài các nghiên cứu về môi trường, các chuyên gia và nhà khoa học đã dày công nghiên cứu về nồng độ dioxin trong máu đối với những người sống tại Đà Nẵng có liên quan trực tiếp với sân bay. Theo đó, kết quả cho thấy, nồng độ dioxin trong máu của những người sống trực tiếp ở khu vực sân bay Đà Nẵng là cao nhất ở Việt Nam và vượt các ngưỡng tiêu chuẩn quốc tế. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ điểm nóng dioxin ở Đà Nẵng là các thành viên trong gia đình những người đánh bắt cá và thu hoạch sen ở hồ Sen, làm vườn dọc các bờ. Những người khác cũng có thể bị ảnh hưởng do ăn cá hoặc các sinh vật thủy sinh khác được đánh bắt ở các hồ trong sân bay,…
Tại Biên Hòa, mẫu cá rô phi lấy từ tất cả các hồ, ao trong và ngoài căn cứ không quân cho thấy, các mô mỡ có chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm rất cao, vượt quy định của tổ chức Y tế Canada. Phân tích mẫu thịt và mẫu toàn bộ cá cũng vượt tiêu chuẩn sức khỏe của tổ chức Y tế Canada.
Tại Căn cứ Không quân Phù Cát, nồng độ dioxin cao nhất được phát hiện tại khu vực lưu trữ. Nồng độ dioxin tại sân bay Phù Cát gần tương đương với những khu vực ô nhiễm tại Biên Hòa và Đà Nẵng. Mẫu trầm tích lấy tại phía hạ lưu của khu vực nghi là thuộc chiến dịch Ranch Hand có mức dioxin cao nhất là 194 ppt. Nước từ khu vực này chủ yếu chảy vào hồ phía Bắc – được sử dụng cho mục đích tưới tiêu, có khả năng gây phơi nhiễm dioxin cho người dân do trong quá trình trồng cấy, tiêu thụ cá và những thực phẩm khác.
Bởi vậy, việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp khắc phục và làm sạch căn cứ không quân Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát là yêu cầu cấp bách để bảo vệ người dân địa phương tránh tiếp xúc với dioxin từ chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh. Việc nuôi thả cá rô phi, các loài cá khác và động vật thủy sản phải được dừng lại. Nâng cao nhận thức của con người về con đường phơi nhiễm dioxin (như việc ăn cá và các loại thức ăn khác bị ô nhiễm được nuôi trong hoặc gần căn cứ không quân, tiếp xúc với ô nhiễm đất và trầm tích, đám cháy không được kiểm soát,…) là cần thiết giúp làm giảm phơi nhiễm trên người dân địa phương, đặc biệt là các bà mẹ (bởi cũng đã có nghiên cứu về nồng độ dioxin trong sữa mẹ).
Những nỗ lực xử lý dioxin của Việt Nam và Hoa Kỳ
Thấy được mối nguy hại của chất da cam/dioxin và các chất độc tồn lưu sau chiến tranh với con người và môi trường, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc, để giảm bớt tác động xấu và phục hồi môi trường. Đặc biệt từ năm 1995 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều dự án điều tra, thu gom và xử lý chất da cam dioxin.
![]() |
Công tác rà roát và tẩy sạch những “tàn dư đau buồn của quá khứ” được Việt Nam cũng như |
Việt Nam cũng đã cố gắng tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin; hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học đã được các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học nước ngoài thực hiện; gần 1 triệu nạn nhân chất da cam/dioxin bị bệnh tật đã được trợ giúp. Chỉ tính riêng việc trợ cấp cho hơn 200.000 nạn nhân, Chính phủ đã chi ra khoảng 50 triệu USD/năm.
Cho đến nay, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã bước đầu xác định được 28 điểm nóng tiềm tàng dioxin, trong đó có 3 điểm là Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát cần giảm nhẹ ngay hoặc tẩy sạch. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm thành công công nghệ tẩy độc bằng biện pháp sinh học tại sân bay Đà Nẵng. Sau đó áp dụng những thử nghiệm này trên quy mô rộng hơn tại Biên Hòa, mang lại hiệu quả đáng kể, có thể sử dụng trong việc tẩy độc tại những điểm nhiễm dioxin ở những vùng ít nóng hơn nhờ chi phí thấp.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xử lý môi trường, nhất là làm sạch dioxin khắc phục hậu quả chất da cam. Tháng 8/2012, lễ khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” đã được tổ chức.
Đây là dự án xử lý độc chất da cam/dioxin, tàn dư của chiến tranh đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới. Theo ước tính, thể tích vật liệu nhiễm bẩn cần phải xử lý khoảng 67.000m3 trên diện tích 165.000m2 tại sân bay Đà Nẵng. Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) đã đề xuất phương pháp hấp thu nhiệt để xử lý triệt để dioxin trong đất và bùn với tổng chi phí dự kiến ban đầu khoảng 43 triệu USD.
Phương pháp kỹ thuật khử hấp thu nhiệt hay còn gọi là IPTD – là một công nghệ tiên tiến được áp dụng ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á để làm sạch các bãi chất thải nguy hại và đảm bảo môi trường sạch cho hàng triệu người và cho các thế hệ sau. IPTD đã được chứng minh có tác dụng làm giảm mức độ tồn lưu dioxin đến mức bằng hoặc thấp hơn mức mà mục tiêu của dự án này đặt ra. Đây là công nghệ tiên tiến và hiện đại, đảm bảo tính hiệu quả cho các vùng đất bị nhiễm dioxin, đồng thời an toàn cao cho những người trực tiếp xử lý tại hiện trường cũng như khu vực xung quanh. Sau khi được triển khai tại Đà Nẵng, phương pháp xử lý này dự kiến sẽ được áp dụng tại các địa phương khác.
Bên cạnh việc hỗ trợ Việt Nam tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng, phía Hoa Kỳ còn triển khai các chương trình y tế công cộng, khắc phục hậu quả về sức khỏe đối với các nạn nhân khuyết tật, trong đó có các nạn nhân của dioxin. Chương trình này kéo dài 3 năm với chi phí 9 triệu USD, bao gồm hỗ trợ điều trị, đào tạo, tạo việc làm… USAID cũng hỗ trợ các bệnh viện quân y của Việt Nam nghiên cứu, điều trị về dioxin theo mô hình của Hoa Kỳ.
Chất da cam/dioxin còn tồn lưu trong đất tại nhiều địa phương ở Việt Nam được ví như “một di sản của quá khứ đau thương” mà chiến tranh để lại cho thời bình. Song những dự án mà Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác làm hôm nay là “một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng” như lời của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã nói trong lễ khởi công dự án xử lý dioxin ở Đà Nẵng tháng 8 vừa qua. Mong rằng trong tương lai, chất độc da cam/dioxin sẽ bị chôn vùi, bị xóa sạch vĩnh viễn để chúng ta sẽ không còn phải nghe những câu chuyện buồn về tác hại của chất độc này đối với môi trường và sức khỏe người dân.
Theo Dangcongsan

Ý kiến ()