Nỗi đau của gia đình mang tên “da cam”
LSO- Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những căn bệnh quái ác bởi di chứng chất độc da cam/đi - ô - xin vẫn còn. Và gia đình ông Vy Văn Đô, thôn Bản Hạ, xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình là một trong những hoàn cảnh đang phải gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khi chất độc da cam cứ mãi giày vò đời con, cháu. Ông có 7 người con thì mất 2, còn lại 5 người nhưng hiện nay có đến 3 người bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Trong căn nhà được làm bằng gạch chiên từ năm 1979 đã xuống cấp, ông Vy Văn Đô (sinh năm 1959) rơm rớm nước mắt nói không nên lời bởi căn bệnh hẹp khí quản phải phẫu thuật từ năm 2011 và lắp van khí ngoài để thở. Một tay bịt van khí để hơi từ trong bụng đẩy lên thanh quản phát ra tiếng nhưng không rõ tiếng, tay trái cầm chiếc khăn lau hàng nước mắt, ông kể về nỗi đau của gia đình: tôi tham gia kháng chiến từ năm 1970, ở chiến trường B, đến năm 1977, xuất ngũ trở về quê hương lập gia đình. Bất hạnh cũng bắt đầu từ đây, người con đầu sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng càng lớn thì càng có biểu hiện khác thường như: chân đau, nhức, sức khỏe yếu không làm được việc nặng. Rồi đứa con thứ hai cũng có những biểu hiện như vậy. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng các con bị như vậy là do bị tật bẩm sinh.
Hằng ngày, chị Giang (bên phải) ở nhà chăm sóc người bố của mình
Cũng chính vì không nghĩ mình bị nhiễm chất độc da cam nên cuối những năm 1980, ông Đô quyết định lấy vợ hai để sinh thêm con với mong ước khi mình già yếu, các con có anh, có em để giúp đỡ nhau. Và rồi vợ hai của ông lần lượt sinh ra đứa con thứ ba, rồi thứ tư, thế nhưng các con của ông đều mất sớm vì sinh thiếu tháng và hình hài biến dạng. Khi đó, vợ chồng ông Đô hoang mang cực độ và tự trách bản thân vì chẳng thể cho những đứa con một cuộc sống bình thường.
Đến năm 2003, vợ chồng ông lại quyết định sinh thêm con những mong có những đứa con khỏe mạnh để phụng dưỡng khi về già. Thế rồi vợ hai của ông lần lượt sinh ra đứa con thứ năm, thứ sáu rồi thứ bảy. Cho đến nay, các con thứ 5 và thứ 6 của ông vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường, không có dấu hiệu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhưng người con trai út của ông sinh năm 2008 thì bị mắt to, mắt bé, bị viêm amidan và sức khỏe yếu, hiện gia đình đang làm hồ sơ khám bệnh để được nhận trợ cấp hằng tháng.
Hiện nay, con gái cả của ông là chị Vy Thị Giang (sinh năm 1980) vẫn chưa lập gia đình. Còn con gái thứ hai là chị Vy Thị Phú (sinh năm 1983) đã lập gia đình và sinh được hai người con cũng có những biểu hiện khác thường song hiện vẫn chưa có điều kiện đi khám, xét nghiệm có bị ảnh hưởng chất độc da cam hay không.
Gia đình ông Đô có 8 sào ruộng và 3 ha đất đồi rừng trồng thông sắp đến tuổi khai thác thế nhưng không có người để lao động sản xuất. Các con của vợ hai còn nhỏ đang trong tuổi ăn, tuổi học, còn con của vợ cả thì bị nhiễm chất độc da cam không làm được việc nặng nhọc, hằng ngày, chị ở nhà chăm sóc người bố của mình. Còn người vợ cả của ông năm nay 65 tuổi nhưng vì nỗi đau, sự ám ảnh của chất độc da cam cũng như gánh nặng của gia đình khiến bà như ở tuổi 80, lưng còng, răng móm và sức khỏe yếu. Tất cả công việc đồng ruộng, chăm lo gia đình đều đè lên vai người vợ thứ hai.
Nhưng với một gia đình có 7 miệng ăn, trong đó có tới 3 người bị nhiễm chất độc da cam mà chỉ có một lao động chính thì có cố gắng đến đâu cũng không thể nào xóa được nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Hằng ngày gia đình kiếm được đồng tiền nào đều dành vào tiền thuốc thang rồi các khoản tiền đóng học cho các con. Do vậy, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1979 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng mà gia đình không có tiền tu sửa, xây mới.
Chúng tôi rời nhà ông Đô, hình ảnh khắc khổ với đôi chân bị phù nề, những tiếng thở nhọc nhằn và những câu nói không ra tiếng của ông khiến chúng tôi càng nhói lòng. Mong rằng qua bài viết này, sẽ có nhiều doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ gia đình ông Đô để giúp họ vượt qua khó khăn, quên đi những mất mát, thiệt thòi.
Bài, ảnh: ĐĂNG THÙY
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()