Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Học viện Biên phòng luôn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, sĩ quan có trình độ đại học, cao đẳng, trên đại học. Và, nơi đây được coi như "cái nôi" của hầu hết cán bộ, sĩ quan ở các cơ quan, đơn vị, đồn biên phòng trên mọi miền biên cương Tổ quốc. Giờ lên giảng đường của học viên Học viện Biên phòng. "Biên giới trong lòng Học viện"Học viện Biên phòng nổi bật giữa lòng thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bởi cơ ngơi khang trang, bề thế với những ngôi nhà cao tầng dành cho học viên, khu giảng đường, bãi tập,... Trong khung cảnh uy nghiêm ấy, có những công trình là hình ảnh đặc trưng của một số vùng biên giới do lực lượng biên phòng các tỉnh tặng. Đại tá, Phó Chính ủy Học viện, PGS, TS Đỗ Ích Báu nói với chúng tôi: Đó không chỉ là biểu hiện của sự gắn kết...
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Học viện Biên phòng luôn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, sĩ quan có trình độ đại học, cao đẳng, trên đại học. Và, nơi đây được coi như “cái nôi” của hầu hết cán bộ, sĩ quan ở các cơ quan, đơn vị, đồn biên phòng trên mọi miền biên cương Tổ quốc.
Giờ lên giảng đường của học viên Học viện Biên phòng.
“Biên giới trong lòng Học viện”
Học viện Biên phòng nổi bật giữa lòng thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bởi cơ ngơi khang trang, bề thế với những ngôi nhà cao tầng dành cho học viên, khu giảng đường, bãi tập,… Trong khung cảnh uy nghiêm ấy, có những công trình là hình ảnh đặc trưng của một số vùng biên giới do lực lượng biên phòng các tỉnh tặng. Đại tá, Phó Chính ủy Học viện, PGS, TS Đỗ Ích Báu nói với chúng tôi: Đó không chỉ là biểu hiện của sự gắn kết giữa Học viện với các tỉnh biên giới mà còn là tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa khung cảnh vùng biên vào trong lòng Học viện để học viên như được đến với biên giới ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hiểu rõ hơn về môi trường công tác sau này của mình.
Làm việc với một số phòng chuyên môn, trò chuyện cùng nhiều học viên, chúng tôi càng thấy hiệu quả rõ rệt của phương châm này. Mục tiêu đào tạo của Học viện là sĩ quan khi tốt nghiệp ra trường phải đảm nhiệm tốt chức trách đội trưởng, xử lý độc lập có hiệu quả những tình huống xảy ra trong mọi hoàn cảnh. Do vậy, nội dung, chương trình đào tạo mà Học viện xác định là phải sát với bậc học và đối tượng đào tạo; kết hợp tốt việc trang bị kiến thức cơ bản với rèn luyện kỹ năng tổ chức thực hiện, phương pháp lãnh đạo cũng như bản lĩnh của người chỉ huy.
Là lực lượng nòng cốt, có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn tích cực tham gia xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện; vận động và giúp đồng bào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở,… Bám sát yêu cầu đó, Học viện thường xuyên đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng bài giảng theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn biên phòng. Theo Đại tá Nguyễn Quang Dũng, Trưởng khoa Biên phòng, thì cùng với các bộ môn về bảo vệ lãnh thổ biên giới quốc gia, chỉ huy tham mưu bảo vệ biên giới…, Khoa còn có các bộ môn công tác đối ngoại biên phòng; công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới,… Quá trình học tập, học viên vừa được trang bị kiến thức về công tác chỉ huy biên phòng vừa được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế – xã hội, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Mặt khác, học viên được tham gia nhiều hoạt động ở các tuyến biên giới, như phong trào Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo, ở La Hủ, Mường Tè (Lai Châu), Mèo Vạc (Hà Giang), Pò Hèn (Quảng Ninh).
Để khi ra trường, học viên trở thành người sĩ quan toàn diện, cán bộ tiểu đoàn phải như người thầy thứ hai – Đại tá Phạm Xuân Chiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, tâm sự. Tạo môi trường dân chủ cho học viên học tập, Học viện đặt các hòm thư góp ý kiến, tổ chức các buổi sinh hoạt dân chủ nghe học viên phản ánh tâm tư, nguyện vọng để có biện pháp giáo dục, quản lý hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện của người học. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được nâng cao. Số học viên tốt nghiệp hằng năm đều đạt gần 100% và cũng gần 100% số học viên được kết nạp Đảng trước khi ra trường.
Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ toàn diện
Chất lượng đào tạo gắn liền với chất lượng giảng viên. Do đó, yêu cầu hàng đầu mà Học viện đặt ra là nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên ngay từ khâu tuyển chọn. Những học viên giỏi ở lại làm giảng viên được đưa đi thực tế tại đồn biên phòng hai năm mới rút về làm cán bộ quản lý học viên và đảm nhiệm một số công việc phụ giảng, sau đó Học viện lập hội đồng xét duyệt công khai, trường hợp đủ điều kiện mới đưa về các khoa tạo nguồn giảng viên. Hầu hết giảng viên của Học viện đều kinh qua các cương vị lãnh đạo từ cấp đồn trở lên. Gần 36% số giảng viên có trình độ sau đại học, có 33 tiến sĩ, mười phó giáo sư, một Nhà giáo Nhân dân và 13 Nhà giáo Ưu tú.
Yêu cầu đặt ra với mỗi giảng viên không chỉ vững về lý thuyết mà phải tinh thông nghiệp vụ biên phòng, giỏi xử lý các tình huống. Bởi thế, gần đây, Học viện đã ký kết quy chế phối hợp với bộ đội biên phòng năm tỉnh biên giới phía bắc và tới đây sẽ ký kết với năm đơn vị khác đại diện cho các tuyến biên phòng của cả nước. Nhiều giảng viên đã tham gia cùng bộ đội biên phòng Lào Cai tổ chức các buổi tọa đàm về chuyên đề tuần tra song phương giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng biên phòng Trung Quốc; nhiều chuyên đề khác về công tác biên phòng ở Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La cũng được tổ chức tọa đàm giữa địa phương với Học viện. Năm học vừa qua, Học viện tổ chức ba đoàn cán bộ, giảng viên đi khảo sát ba tuyến biên giới phía bắc, miền trung và phía nam, làm cơ sở bổ sung nội dung các bài giảng. Từ đó, giảng viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn và đó cũng là một hình thức “đưa biên giới vào trong lòng Học viện”.
Đại tá, PGS, TS Trần Hữu Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cho biết: Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, có năng lực sư phạm, tâm huyết với nghề, có học hàm, học vị cao, là một trong những khâu quyết định bảo đảm chất lượng đào tạo của Học viện. Đảng ủy Học viện có nghị quyết, kế hoạch đề ra cho cả trước mắt và lâu dài, toàn diện trên cả ba mặt: Nâng cao trình độ bậc học cho người thầy qua đào tạo tại chỗ, tại các học viện trong nước và các nước, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn trên biên giới và bồi dưỡng phương pháp sư phạm bằng nhiều hình thức như thao giảng, xây dựng bài giảng mẫu… Cùng với việc tạo môi trường và điều kiện để mỗi giảng viên, cán bộ quản lý phấn đấu, tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Học viện tiếp tục tăng cường quan hệ với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Với bề dày thành tích 50 năm qua, Học viện luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác do Đảng, Nhà nước tặng thưởng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()