Nội các Nhật Bản chính thức mở đường pháp lý cho việc thực thi quyền phòng vệ tập thể
Ngày 1/7, Nội các Nhật Bản nhất trí điều chỉnh một số giải thích về Hiến pháp, mở đường cho quân đội nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể. Ngay lập tức, một số nước đã bày tỏ quan điểm về một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản.
Nội các Nhật Bản nhất trí thực thi quyền phòng vệ tập thể
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo giới |
Trong phiên họp bất thường, chiều 1/7, Nội các Nhật Bản đã thông qua quyết định phát triển thống nhất các thể chế an ninh nhằm bảo đảm sự tồn tại của đất nước và bảo vệ người dân Nhật Bản. Dù quyết định này còn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận Nhật Bản, song không thể phủ nhận rằng, đây là một thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến 60 năm trước đây. Trong nhiều năm qua, các chính phủ trước của Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm cho rằng, nước này có quyền tham gia vào các hoạt động phòng vệ tập thể, tuy nhiên, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản lại được giải thích theo cách thức không cho phép Tokyo thực hiện quyền này.
Nội các Nhật Bản cho rằng, tới thời điểm một số giải thích về Hiến pháp hòa bình của nước này được thay đổi, chính phủ sẽ chỉ có thể cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp phát sinh một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Nhật Bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang biến động không ngừng, thậm chí việc một nước khác trong khu vực bị tấn công vũ trang cũng có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của đất nước Nhật Bản, phụ thuộc vào mục đích, phạm vi và cách thức cuộc tấn công này được thực hiện. Chính vì thế, Nội các Nhật Bản đã quyết định thay đổi một số giải thích trong Hiến pháp nhằm mở đường cho việc sử dụng “lực lượng cần thiết” để tự vệ trong một số điều kiện cụ thể.
Với động thái này, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản hướng tới một vai trò lớn hơn cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài. Theo nội dung bản dự thảo mà Nội các thông qua, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân”. Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia hữu hảo trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.
Quyết định trên được Nội các Nhật Bản thông qua ngay sau khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) và đối tác của họ trong liên minh cầm quyền Komeito mới đã đạt được thỏa thuận về bản dự thảo cuối cùng do Nội các Nhật Bản đưa ra về điều chỉnh một số giải thích trong Hiến pháp của nước này vào sáng 1/7, sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng. Việc Nội các Nhật Bản thông qua một số thay đổi về giải thích Hiến pháp cho phép quân đội nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể được xem là một thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh ông đang nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực của SDF trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với những nguy cơ về an ninh.
Phát biểu trước báo giới sau phiên họp Nội các, chiều 1/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh “Nhật Bản sẽ chỉ sử dụng quyền phòng vệ tập thể trong một số trường hợp hạn chế”. Nhà lãnh đạo này tuyên bố, Nội các Nhật Bản đã không chỉ thảo luận về những vấn đề trừu tượng mà đã đề cập cụ thể tới “điều gì cần phải làm theo đúng quy định của Hiến pháp nhằm bảo vệ cuộc sống hòa bình của người dân Nhật Bản”.
Ông Abe lưu ý, Nhật Bản sẽ thực thi quyền phòng vệ tập thể thông qua việc sử dụng vũ lực ở phạm vi tối thiểu, chỉ áp dụng trong những trường hợp nhất định khi không còn phương án nào thay thế. Nhà lãnh đạo này khẳng định, những điều chỉnh về giải thích Hiến pháp nhằm mở đường cho việc thực thi quyền phòng vệ tập thể do Nội các nước này đưa ra không làm thay đổi “lập trường cơ bản” của Hiến pháp Nhật Bản. Ông Abe nêu rõ, SDF sẽ không bao giờ tham gia vào các hành vi tham chiến, như chiến tranh vùng Vịnh hay cuộc chiến ở Iraq… Việc Nhật Bản dỡ bỏ các rào cản nhằm mở đường cho việc thực thi quyền phòng vệ tập thể có thể khiến phát sinh một số ý kiến hiểu lầm cho rằng Nhật Bản sẽ tham gia chiến tranh để bảo vệ lợi ích dân tộc của một nước khác, tuy nhiên, tình huống này sẽ không trở thành sự thật.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông sẽ sớm thành lập một đội chuyên trách xây dựng các bộ luật cần thiết và trình lên Quốc hội nước này. Bên cạnh đó, ông Abe cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Nhật Bản về vấn đề nhạy cảm và đang gây nhiều tranh cãi liên quan tới việc thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Phản ứng của một số nước sau khi Nội các Nhật Bản thông qua những thay đổi về quyền phòng vệ tập thể
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh thay đổi chính sách về an ninh |
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước đưa ra quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nhất trước những thay đổi về chính sách an ninh của Nhật Bản. Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh động thái mới nhất của Nhật Bản và cho rằng, chính sách an ninh mới của Nhật Bản sẽ cho phép SDF có thể tham gia vào các chiến dịch lớn hơn và khiến cho quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật ngày càng phát huy hiệu quả. Quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định, việc Nội các Nhật Bản thay đổi một số giải thích trong Hiến pháp nhằm mở đường cho việc thực thi quyền phòng vệ tập thể là một bước đi quan trọng để Nhật Bản có thể đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính sách an ninh mới của Nhật Bản sẽ tiếp tục hậu thuẫn và bổ sung cho những nỗ lực hợp tác quốc phòng song phương giữa Mỹ và Nhật Bản.
Phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày, phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes nói: “Mỹ hoan nghênh động thái của Nhật Bản nhằm hướng tới việc thực thi quyền phòng vệ tập thể…Tổng thống Mỹ Barack Obama rất ủng hộ chính sách này của Thủ tướng Abe…Chúng tôi tin tưởng rằng, sự thay đổi này sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật và mở ra cánh cửa cho những quan hệ hợp tác tiếp theo…Quyết định này cũng được xem là sẽ tạo thêm không gian để Nhật Bản có thể phát huy vai trò là một đối tác an ninh của Mỹ và là một quốc gia góp phần duy trì trật tự thế giới”.
Ngày 1/7, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh, cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể, xét về mặt nguyên tắc.
Trong một tuyên bố ra ngày 1/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm thận trọng trước việc Nhật Bản đưa ra những thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh thời hậu chiến và sẽ tiếp tục “theo sát tình hình một cách chặt chẽ”. Phát ngôn viên trên khẳng định, Hàn Quốc sẽ không cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể mà không có sự yêu cầu hay ưng thuận của phía Hàn Quốc bởi chính quyền Seoul luôn coi trọng tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề liên quan tới lợi ích dân tộc.
Hiện Trung Quốc là nước đưa ra phản ứng mạnh mẽ nhất sau khi Nhật Bản dỡ bỏ rào cản pháp lý, cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, ngày 1/7 quan ngại rằng, quyết định “chưa từng có tiền lệ” này sẽ cho phép Nhật Bản mở rộng vai trò quân sự ở châu Á, có nguy cơ làm tổn hại đến các lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo CPV
Ý kiến ()