Nơi bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Xứ Lạng
LSO- Thông qua các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tốt chức năng giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Xứ Lạng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
5 năm sưu tầm hơn 1.970 hiện vật
Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hóa Xứ Lạng thể hiện những nét đặc sắc văn hóa của các tộc người. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể và nhân dân, các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nhận diện và phát huy. Trong đó phải kể đến sự cố gắng không ngừng của các cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng.
Qua những cuộc điền dã, khảo sát, sưu tầm, khai quật khảo cổ, tiếp nhận của nhân dân, từ năm 2011 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, bổ sung vào kho cơ sở được hơn 1.970 tài liệu, hiện vật và 1.450 ảnh tư liệu. Đồng thời sưu tầm, tiếp nhận, nhập dữ liệu 46 băng đĩa về văn hóa phi vật thể của tỉnh để đưa vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức 8 cuộc giám định với tổng số 272 hiện vật và 5,8 kg tiền đồng do các cơ quan chức năng thu giữ và nhân dân phát hiện; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức 3 cuộc giám định với tổng số 695 hiện vật khảo cổ, cổ vật, tác phẩm mỹ thuật…
Khách tham quan các hiện vật trưng bày tại bảo tàng
Việc sưu tầm, bảo quản đã giúp cho kho tàng hiện vật tư liệu về văn hóa Xứ Lạng nói riêng, Việt Nam nói chung thêm đa dạng, phong phú. Hệ thống trưng bày được chỉnh lý thường xuyên với nhiều hiện vật phản ánh các mặt của đời sống văn hóa xã hội, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tình hình phát triển kinh tế – chính trị – xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ đó góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát huy giá trị di sản văn hóa
Đi đôi với sưu tầm, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách và nhân dân, học sinh trên địa bàn. Cùng với việc mở cửa thường xuyên để đón tiếp khách tham quan, từ năm 2011 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức thành công 12 cuộc triển lãm lưu động tại các huyện nhân dịp lễ hội và 16 cuộc trưng bày chuyên đề như: “Lạng Sơn xưa và nay”, “Chủ quyền biên giới – biển đảo Việt Nam”, “Lạng Sơn – Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”…
Các hoạt động này đã thu hút gần 78 ngàn lượt khách đến tham quan, học tập. Trong đó có hơn 53 ngàn lượt khách đến tham quan tại nhà trưng bày và triển lãm chuyên đề; gần 24 ngàn lượt khách tham quan tại các buổi triển lãm lưu động.
Em Nguyễn Ánh Dương, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Được đến Bảo tàng tỉnh tham quan các hiện vật trưng bày, em hiểu thêm được rất nhiều điều bổ ích về trang phục, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, quá trình tham gia hoạt động cách mạng của những người anh hùng Xứ Lạng… Từ đó em thêm yêu, tự hào và tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương”.
Mặt khác, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức buổi sinh hoạt CLB “Em yêu lịch sử”; chiếu phim và nói chuyện chuyên đề về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ cho các em học sinh 2 trường (Tiểu học Tam Thanh và THCS Hoàng Văn Thụ). Ngoài ra, Bảo tàng đã xuất bản 1.000 cuốn sách “Ngô Thì Sĩ với văn bia Lạng Sơn” và tài liệu hướng dẫn tham quan bảo tàng.
Qua đó tạo điều kiện cho du khách và nhân dân trên địa bàn có cơ hội tham quan, nghiên cứu, học tập, hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Xứ Lạng, về truyền thống đấu tranh anh hùng của đồng bảo các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Ông Nông Xuân Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Xứ Lạng, thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục sưu tầm, bổ sung hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hiện vật dân tộc học. Đồng thời hoàn thiện dự án cải tạo, sửa chữa nhà trưng bày và đưa vào khai thác ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả.
Hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, bảo tàng tỉnh đã chỉnh lý và bổ sung 50 tư liệu, hiện vật về chủ đề di sản văn hóa Việt Nam và các cổ vật bằng đồng, gốm sứ qua các thời kỳ, phục vụ du khách tham quan, học tập .
Bài, ảnh: MAI HOA – NGỌC HIẾU
Ý kiến ()