Nơi ấm cúng nhất trong nhà sàn của người Tày, Nùng Xứ Lạng
– Ở một số vùng nông thôn, đa số người dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn sinh sống trong nhà sàn. Điểm đặc biệt trong ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh là bếp lửa. Nó là biểu tượng thể hiện sự ấm cúng nhất trong ngôi nhà.
Chúng tôi đến huyện Bắc Sơn vào những ngày đầu tháng 12/2021 và có dịp đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hà Anh, thôn Phong Thịnh, xã Tân Thành. Giữa tiết trời mùa đông lạnh giá, bước vào ngôi nhà chị, điều khiến chúng tôi ấn tượng ấy là bếp lửa cháy bập bùng với sự có mặt của các thành viên ngồi xung quanh. Không nói ra nhưng chắc hẳn mỗi người đều thấy lòng bình an, ấm áp.
Chị Hà Anh cho biết: Thông thường bếp sẽ được làm khi dựng nhà mới và cái bếp đó sẽ được sử dụng đúng theo tuổi thọ ngôi nhà. Sàn nhà được khoét xuống một ô vuông để làm bếp. Tùy theo nhà to, nhỏ để tạo kích thước bếp nhưng mỗi bếp khoảng 1,5 mét và được kê chắc chắn bằng loại gỗ tốt hoặc đan 1 cái vỉ bằng tre đặt xuống dưới, rồi bóc thân chuối rải một lớp lên trên.
Người dân tộc Nùng tại huyện Bắc Sơn đun nấu tại bếp lửa trong ngôi nhà sàn
Người Tày, Nùng dùng kiềng ba chân bằng gang lớn để kê đun nấu trên bếp. Lúc nào trong bếp cũng có 1 hoặc 2 cây củi to để giữ nguồn lửa chính, khi đốt, nó cứ âm ỉ cháy đến lúc hết. Những cây củi nhỏ được xếp xung quanh, chụm lại ở tâm kiềng. Trong bếp lửa của người Tày, Nùng không thể thiếu những cây nứa, cây giang khô dễ bén lửa. Người Tày, Nùng không nhóm bếp bằng giấy mà chẻ những mảnh đóm từ tre, nứa, phơi khô dùng dần. Chỉ cần một que diêm là đóm xòe lửa, lửa bén sang các cây nứa, giang, rồi lan sang các cây củi khô, tạo thành ngọn lửa hồng bập bùng. Người sử dụng có thể điều chỉnh ngọn lửa trong bếp bằng cách thêm hoặc bớt củi trong bếp.
Cũng như nhiều dân tộc khác, bếp là nơi nấu nướng các loại đồ ăn, thức uống… nhưng đối với người Tày, Nùng đây còn là nơi sưởi ấm và tiếp khách trong những ngày đông giá. Với cộng đồng người Tày, Nùng Xứ Lạng, hình ảnh bếp lửa đã trở thành không gian văn hóa thiêng liêng trong ngôi nhà. Bà Nông Thị Nga, thôn Nà Miện, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Hiện tại, gia đình tôi sử dụng cả bếp ga và bếp củi, trong đó, sử dụng bếp củi là chủ yếu. Tôi vẫn luôn dặn dò con cháu không bao giờ được để bếp tắt lửa. Vì theo quan niệm của người Tày, Nùng xưa, nếu để bếp tắt hẳn thì gia đình không đầm ấm, hạnh phúc.
Với suy nghĩ giống bà Nga, mỗi ngày, khi đun nấu xong, người Tày, Nùng thường dập bếp lại bằng cách vùi những cây củi đang cháy vào tro, phủ tro lên than hồng. Đến khi cần đun bếp, chỉ cần gạt tro ra, thêm vài mảnh đóm, dùng ống thổi để thổi thì bếp lửa lại cháy bùng lên.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Việc đầu tiên khi người Tày, Nùng Lạng Sơn vào nhà mới là rước Thần Lửa vào nhà. Họ luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Người Tày, Nùng có truyền thống từ xa xưa, ông bà, cha mẹ đã luôn nhắc nhở con cháu là khi ngồi cạnh bếp lửa không được đặt chân lên kiềng, lên bếp vì theo quan niệm, đây là nơi trú ngụ của Thần Lửa. Khi lấy củi vào bếp không được đặt củi mạnh xuống nền, không được bổ củi trong bếp, không được khạc nhổ ở xung quanh hay ngồi quay lưng lại bếp lửa, vì như vậy sẽ thiếu kính trọng với Thần Lửa…
Người Tày, Nùng Lạng Sơn còn có quan niệm, sự rộng rãi, thoáng mát của ngôi nhà sàn chính là biểu tượng cho tấm lòng bao dung, khoáng đạt của người đàn ông, bếp lửa trong ngôi nhà chính là hiện thân của người phụ nữ. Ánh lửa ấm áp từ ngôi nhà giống như người phụ nữ tiếp lửa cho người đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, người Tày, Nùng ngày nay ít ở nhà sàn hơn, theo đó, bếp lửa giữa nhà cũng ít dần. Tuy nhiên, giá trị văn hóa tinh thần về bếp lửa gắn với ngôi nhà sàn của người Tày, Nùng Xứ Lạng luôn được họ truyền dạy cho đời sau để khắc ghi truyền thống tốt đẹp đã được ông cha lưu giữ, từ đó góp phần gìn giữ và xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến ()