Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên Kanjuruhan
Chiều 3-10, một ủy ban điều tra độc lập đã được thành lập, có nhiệm vụ điều tra thảm kịch xảy ra ở sân vận động Kanjuruhan, khiến ít nhất 125 cổ động viên (CĐV) Indonesia thiệt mạng.
Ông Mahfud, Bộ trưởng An ninh Indonesia cho biết cuộc điều tra sẽ kéo dài khoảng hai tuần, sẽ xem xét liệu có bất kỳ luật nào bị vi phạm hay không, những khoản bồi thường nào được cung cấp cho các nạn nhân và cách để bóng đá Indonesia có thể ngăn chặn những thảm kịch trong tương lai.
Tại Bệnh viện Saiful Anwar ở Malang, nơi đội ngũ bác sĩ, y tá đang tích cực điều trị cho bệnh nhân bị thương trong thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan, hàng chục thành viên trong các gia đình vẫn nín thở, hồi hộp chờ đợi tin tức của người thân vào chiều 3-10.
Trước đó, vào đêm 2-10, hàng nghìn người hâm mộ đội bóng Arema đã tập trung tại sân vận động Gajayana, nơi đội giành được danh hiệu vô địch đầu tiên, để cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số. Nhiều người mặc đồ đen, mang theo hoa, nến và biểu ngữ, trong đó có nội dung: “Hãy điều tra kỹ lưỡng”. Tito Dwimauludi, 28 tuổi, may mắn sống sót sau vụ giẫm đạp kinh hoàng vào buổi tối 1-10, đã đến buổi lễ để bày tỏ lòng kính trọng với những người hâm mộ đội bóng Arema.
Đã có những rắc rối bùng phát trước đây tại các trận đấu ở Indonesia, với sự cạnh tranh gay gắt giữa các câu lạc bộ, đôi khi dẫn đến bạo lực giữa những người hâm mộ. Tuy nhiên, không gì có thể so sánh được với thảm kịch xảy ra ở sân vận động Kanjuruhan, sau khi CĐV hai đội bóng Arema và Persebaya Surabaya xô xát khi đội chủ sân Kanjuruhan bị đánh bại với tỷ số 2-3.
Đám đông người hâm mộ đã tràn xuống sân, xô xát với cảnh sát. Xem các video được chia sẻ trên mạng xã hội, không khó để nhận thấy CĐV tránh va chạm với lực lượng an ninh làm nhiệm vụ trên sân. Họ nhanh chóng leo lên khán đài và sau đó, cơn ác mộng xảy ra khi lực lượng cảnh sát bắn đạn hơi cay lên khán đài, nơi đám đông người hâm mộ hoảng loạn tìm cách thoát thân khi cửa sân vận động đã đóng.
Tiền đạo Abel Camara của đội chủ nhà Arema cùng đồng đội đã phải chứng kiến 8 CĐV chết trong phòng thay đồ vì ngạt khói, thiếu oxy, bị giẫm đạp dẫn đến đa chấn thương… Không gì mô tả được nỗi ám ảnh của Abel Camara và những người trải qua buổi tối kinh hoàng 1-10 ở bên trong và bên ngoài sân Kanjuruhan. Cầu thủ đội khách Persebaya Surabaya có lẽ là những người may mắn nhất khi họ đã rời sân bằng xe bọc thép ngay sau khi trận đấu kết thúc.
Cứ mỗi khi xảy ra những chuyện đau lòng, người trong cuộc lại “giá như”, “biết thế”… Có những sự cố được khắc phục kịp thời nhưng cũng có những sự vụ biến thành thảm họa khủng khiếp. Đau đớn hơn, trong số ít nhất 125 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương đang điều trị trong bệnh viện, đa phần là những thanh niên, với tuổi đời còn rất trẻ. Afoan Tumbaz, một CĐV 23 tuổi, chân phải bị thương vì một ống chứa hơi cay rơi vào người, nói với phóng viên: “Tôi vẫn đang nghĩ tất cả những điều này có thực sự xảy ra không? Làm thế nào mà một thảm kịch như vậy có thể xảy ra và giết chết nhiều người đến vậy?”.
Tito Dwimauludi cùng hàng nghìn CĐV, người hâm mộ, du khách đã thắp nến, cầu nguyện cho những người xấu số trong đêm 2-10. Anh nói với phóng viên The New York Times (Mỹ): “Tôi sẽ không xem bóng đá ở sân vận động nữa. Tôi cầu nguyện sẽ không có điều gì như thế này xảy ra nữa”.
Người dân và du khách ở đảo Bali cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số trong thảm kịch Kanjuruhan.Ảnh: The New York Times. |
Chuyện người cũng là bài học cảnh tỉnh cho ta!
Dù trên thực tế, những trận cầu tâm điểm ở V-League hay những trận đấu có sự góp mặt của các đội tuyển Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn trận đấu luôn được chính quyền địa phương, ban tổ chức sân, các cơ quan có liên quan tiến hành họp bàn, đề ra nhiều phương án. Lực lượng công an, cảnh sát cơ động, dân phòng được huy động đi làm nhiệm vụ từ 8 giờ sáng, với nhiều vòng, nhiều lớp bảo vệ, nhiều tổ, đội liên tục giữ liên lạc với nhau. Tuy vậy, với bài học từ nước bạn, chúng ta không bao giờ được phép lơ là, chủ quan trong việc bảo đảm an toàn cho những trận bóng đá đỉnh cao, làm sao để mỗi khán giả đến sân thưởng thức môn “thể thao vua” luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, chứ không phải là những giọt nước mắt đắng cay vì những sự cố, thảm kịch ngoài ý muốn trên sân cỏ!
Ý kiến ()