Theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm chiều 3/10 (giờ Việt Nam), giải Nobel Hóa học năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học là Frances H.Arnold, George P.Smith (người Mỹ) và Gregory P.Winter (người Anh).
Viện trên cho hay 3 nhà khoa học Frances H. Arnold thuộc Viện Công nghệ California ở Pasadena, Mỹ; George P. Smith thuộc Đại học Missouri (Mỹ) và Gregory P.Winter thuộc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử MRC ở Cambridge (Anh), đã được vinh danh với các công trình nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực enzyme và kháng thể, đóng góp cho sự phát triển của ngành hóa chất và dược phẩm.
Công trình của nhà khoa học người Mỹ Frances H.Arnord có tên gọi “Sự tiến hóa enzyme định hướng”, trong khi công trình được trao giải còn lại là của 2 nhà khoa học George P.Smith và Gregory P.Winter có tên gọi “Công nghệ hiển thị thể thực khuẩn của peptide và kháng thể”.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá các công trình đề cao sức mạnh của sự tiến hóa được thể hiện thông qua tính đa dạng của sự sống. Các nghiên cứu kiểm soát sự tiến hóa và ứng dụng nhằm đem lại lợi ích tối đa cho con người.
Ở công trình đầu tiên, theo TTXVN, tác giả đã phát triển các enzyme có thể được ứng dụng trong sản xuất ra mọi thứ, từ nhiên liệu sinh học đến dược phẩm. Từ năm 1993, nhà khoa học Frances H. Arnold bắt đầu tiến hành nghiên cứu enzyme theo phương pháp tiến hóa có định hướng, theo đó các protein là chất xúc tác cho các phản ứng hóa học. Kể từ đó, bà đã chọn lựa ra những phương pháp mà thường được giới khoa học ngày nay ứng dụng để phát triển các chất xúc tác mới. Các enzyme được sản xuất theo phương pháp này được ứng dụng trong các lĩnh vực bao gồm cả sản xuất các hóa chất thân thiện với môi trường và sản xuất các nhiên liệu tái tạo cho ngành giao thông vận tải “sạch”.
Trong khi đó, công trình thứ hai nghiên cứu các kháng thể sinh ra sử dụng một phương pháp gọi là “phage dislay” (vật ăn vi khuẩn có thể được dùng để tạo ra các loại protein mới) có khả năng chống lại các bệnh tự miễn và trong một số trường hợp có thể hỗ trợ trong điều trị cho bệnh nhân ung thư đã di căn.
Năm 1985, nhà khoa học người Mỹ George P. Smith đã tìm ra phương pháp “phage display”. Trong khi đó, ông Gregory Winter đã sử dụng phương pháp này để nghiên cứu các kháng thể theo phương pháp tiến hóa có định hướng với mục đích sản xuất các dược phẩm mới. Loại thuốc đầu tiên được sản xuất theo phương pháp này đã được chấp thuận vào năm 2002 và được dùng để điều trị các bệnh viêm khớp mãn tính, vẩy nến và viêm ruột. Kể từ đó, “phage display” đã giúp sản sinh ra các kháng thể có thể trung hòa các độc tố, chống lại các bệnh tự miễn dịch và điều trị ung thư di căn.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, một nửa số tiền thưởng trị giá 9 triệu kronor (tương đương 1,1 triệu USD) của giải Nobel Hóa học năm nay sẽ thuộc về bà Arnold, phần còn lại dành cho nhà khoa học Smith và nhà khoa học Winter – được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ (Sir). Bà Arnold là nhà khoa học nữ thứ hai nhận được giải Nobel trong năm nay.
Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba của mùa giải Nobel năm nay. Trước đó ngày 2/10, 3 nhà khoa học Arthur Ashkin (người Mỹ) cùng Gerard Mourou (người Pháp) và Donna Strickland (người Canada) đã giành được giải Nobel Vật lý 2018 về những phát minh trong lĩnh vực vật lý laser, mở đường cho việc chế tạo các dụng cụ vô cùng tinh vi sử dụng trong phẫu thuật mắt và các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Ngày 1/10, hai nhà miễn dịch học James P. Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản) đã giành giải Nobel Y học năm 2018 , với công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng việc ức chế miễn dịch âm tính, một cách tiếp cận mang tính cách mạng trong chữa trị bệnh ung thư.
Năm ngoái, giải Nobel Hóa học 2017 đã được trao cho 3 nhà khoa học Jacques Dubochet người Thụy Sĩ, Joachim Frank người Mỹ và Richard Henderson người Anh nhờ phát triển kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (cryo-electron microscopy) để xác định cấu trúc phân tử có độ phân giải cao trong dung dịch.
Tiếp sau giải Nobel Hóa học, giải Nobel Hòa bình và giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố lần lượt vào ngày 5/10 và 8/10 tới. Giải Nobel Văn học 2018 sẽ được trao vào năm sau, cùng Nobel Văn học 2019.
Lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tới tại Stockholm. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được Uỷ ban Nobel của Na Uy công bố và trao thưởng tại thủ đô Oslo.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()