Nợ toàn cầu năm 2021 ở mức 235.000 tỷ USD dù đã giảm mạnh nhất trong 7 thập kỷ
Mặc dù đã giảm mạnh nhất trong 70 năm sau khi tăng lên những mức cao kỷ lục vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công và tư nhân toàn cầu năm ngoái vẫn ở mức 235.000 tỷ USD.
Một khu chợ tại TP Quezon, Philippines, ngày 2/5/2021. (Ảnh: Reuters) |
Trong thông báo ngày 12/12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, dù giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy nhưng nợ công và tư nhân toàn cầu năm 2021 vẫn cao hơn các mức ghi nhận trước đại dịch.
Cụ thể, trong blog mới đăng giới thiệu chỉ số giám sát nợ toàn cầu, IMF cho biết tổng nợ công và tư nhân toàn cầu giảm 10 điểm phần trăm từ mức 257% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2020 xuống mức 247% GDP toàn cầu năm 2021.
Tỷ lệ nợ công và tư nhân toàn cầu năm 2007, thời điểm chưa xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, là 195% GDP. Quy ra đồng USD, nợ toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2021 nhưng với tốc độ chậm hơn, lên mức cao kỷ lục là 235.000 tỷ USD.
Tỷ số nợ trên tổng tài sản năm 2022 dự kiến sẽ giảm ở hầu hết các quốc gia với điều kiện GDP danh nghĩa tăng trưởng. Giám đốc phụ trách các vấn đề tài khóa của IMF Vitor Gaspar cho rằng năm 2023, hồ sơ theo dõi nợ toàn cầu sẽ ít biến động hơn trong bối cảnh nhiều nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm, chi phí vay tăng.
Dẫn dữ liệu từ 190 quốc gia, IMF cho biết nợ tư nhân, trong đó có nợ hộ gia đình và nợ của các tập đoàn không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, dẫn đầu xu hướng giảm trong năm 2021, cụ thể là giảm 6 điểm phần trăm xuống mức 153% GDP. Trong khi đó, nợ công giảm 4 điểm phần trăm, xuống 96% GDP, là mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo IMF, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản giảm nhanh chủ yếu do kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng nhanh. Trong đó, các nền kinh tế phát triển có mức nợ giảm nhiều nhất, ở cả khu vực công và tư, tiếp đến là các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc. Riêng nhóm các nước thu nhập thấp, nợ công và tư nhân tiếp tục tăng trong năm 2021, chủ yếu do nợ tư nhân tăng, tổng nợ lên mức 88% GDP.
Ông Paulo Medas, quan chức phụ trách giám sát tài khóa của IMF, cho rằng nợ ở những nước thu nhập thấp đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1990 và đầu năm 2000. Ngày càng nhiều người lo ngại về khả năng trả nợ của các nước thu nhập trung bình và thấp, khi có tới khoảng 25% các nước mới nổi và hơn 60% các nước thu nhập thấp đang ngấp nghé hoặc đã rơi vào trạng thái căng thẳng vì nợ.
Trong bài đăng, các quan chức IMF cảnh báo tình hình quản lý nợ sẽ ngày càng khó khăn nếu triển vọng tiếp tục xấu đi và chi phí đi vay tiếp tục tăng. IMF cũng lưu ý các chính phủ nên theo đuổi những chính sách tài khóa giúp giảm áp lực lạm phát từ bây giờ và giảm những điểm yếu liên quan nợ trong dài hạn, khẳng định việc đảm bảo sự ổn định dài hạn là tài sản quý báu trong thời điểm nhiều biến động và nhiễu loạn như hiện nay.
Ý kiến ()