Nợ thuế: Con số còn lắm suy tư
LSO - Năm 2014, toàn tỉnh thu ngân sách đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng. Đấy là những tín hiệu vui trong phát triển kinh tế toàn tỉnh. Đặc biệt, thu nội địa đã vượt trên 10% so với dự toán. Thế nhưng con số nợ vẫn còn lớn, trong đó có những khoản rất khó thu hồi khiến cho bức tranh thu toàn tỉnh chưa vui trọn vẹn.
Các doanh nghiệp cập nhật chính sách thuế tại Cục Thuế
Năm 2014, toàn tỉnh thu thuế nội địa đạt 854 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ. Theo quy định của ngành thuế, số nợ thuế không được vượt quá 5% tổng thu. Thế nhưng, số nợ thuế của toàn tỉnh đã lên tới trên 70 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán. Nguyên nhân của nợ thuế thì rất nhiều nhưng tựu chung lại vẫn là do sự thiếu chủ động của các doanh nghiệp. Hai năm gần đây, sau khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực, một số chính sách tác động mạnh đến người nộp thuế như đình, giãn, hoãn, miễn giảm thuế. Kê khai theo kỳ khiến cho các khoản nợ theo luật tăng lên.
Các chính sách ưu tiên nợ thuế là một chủ trương đúng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng, đi cùng nó là các khoản nợ tăng. Nhiều công ty lợi dụng chính sách để chuyển giá, chuyển nợ khiến cho bức tranh nợ thuế trở nên đa sắc rất khó phân định, xử lý. Bên cạnh việc nợ thuế theo luật, nghĩa là được phép nợ, một số đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế khi không còn khả năng tài chính. Công ty rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bên bờ vực phá sản. Có những công ty không còn hoạt động, các khoản nợ thuế, nợ ngân hàng lớn nhưng không còn khả năng thanh toán. Theo ông Nông Ngọc Đàm, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn: “Nợ thuế khiến cho thu thực tế giảm.
Các khoản nợ thuế rất dễ phát sinh rủi ro, vì vậy, cơ quan thuế phải bám sát, tăng cường thanh, kiểm tra và như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp”. Theo quy định của ngành thuế, dù thu đúng, thu vượt nhưng khi nợ thuế quá giới hạn cho phép sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung toàn ngành. Theo thống kê của ngành thuế, trong năm 2014, toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên trên 1.600 doanh nghiệp. Doanh nghiệp tại Lạng Sơn chủ yếu tập trung kinh doanh xuất nhập khẩu.
Sau biến động tình hình Biển Đông, các doanh nghiệp kinh doanh, làm dịch vụ xuất nhập khẩu lâm vào hoàn cảnh khó khăn do khai thác nguồn hàng hạn chế, một số mặt hàng truyền thống không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản ở khu vực ngoài quốc doanh khó khăn trong sản xuất, không thu hồi được vốn, công nợ dẫn đến nợ thuế. Cũng theo quy định của ngành thuế, nợ sau 90 ngày tức là đã chuyển sang giai đoạn nợ cưỡng chế có xu hướng tăng bởi các doanh nghiệp nợ đã qua 61 ngày càng lớn.
Ông Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh Lạng Sơn cho biết: các doanh nghiệp phần lớn không muốn nợ tiền thuế. Đặc biệt doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín bao giờ cũng quan tâm chi trả các khoản nợ hợp lý, không dây dưa kéo dài. Thế nhưng, trên thực tế họ kinh doanh thua lỗ, chưa có điều kiện nộp thuế khiến cho số nợ tăng. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp cố tình nợ, lợi dụng chính sách, bỏ kinh doanh làm khó thu hồi nợ. Với các doanh nghiệp này, ngành thuế cần có biện pháp xử lý dứt điểm.
Để giảm nợ thuế, ngành thuế đã tích cực chỉ đạo nhiều biên pháp thu như: tăng cường xử lý nợ đọng, cưỡng chế thu hồi, tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thu, giải quyết gia hạn để giảm các khoản nợ. Bằng biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế trong năm 2014, ngành đã thu nợ đạt trên 19 tỷ đồng, cưỡng chế trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn còn lớn. Ông Nông Ngọc Đàm, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn cho biết: với con số nợ trên 70 tỷ đồng là con số không vui, nỗ lực của toàn ngành là phải giảm thấp nhất số nợ thuế. Để giảm nợ không còn cách nào khác là quản lý tốt, tuyên truyền sâu để doanh nghiệp, người nộp thuế nắm được chính sách, nâng cao trách nhiệm nộp thuế. Với các doanh nghiệp ngừng kinh doanh, các cấp chính quyền cần phối hợp để xử lý thu hồi thuế cho nhà nước.
Năm 2014 là một năm thành công của ngành thuế, còn những điểm chưa thành công tuy rất nhỏ nhưng cũng để lại suy tư đó là nợ thuế còn lớn, trong số nợ ấy có những khoản khó thu. Điều đó đòi hỏi cần tăng cường quản lý, đôn đốc, thu hồi xử lý nợ đọng để tạo đà cho năm sau thu tốt hơn, giảm thiểu nợ đọng dưới 5% theo quy định.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()