Nỗ lực xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài
(LSO) – Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, từ đó gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, Hội Khuyến học tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển sự nghiệp “trồng người”, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục ở địa phương.
Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Xác định công tác khuyến học là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nên công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực đã tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài.
Nhà tài trợ ủng hộ Qũy khuyến học tỉnh năm 2018
Theo đó, xây dựng tổ chức hội là một trong những yếu tố hàng đầu để có mối quan hệ mật thiết đến chất lượng, hiệu quả các hoạt động. Do vậy, củng cố, phát triển tổ chức hội luôn được Ban Thường vụ hội quan tâm thực hiện. Như năm 2013, toàn tỉnh mới chỉ có 114 hội cấp xã, phường, thị trấn thì đến năm 2018, toàn tỉnh có 226 hội khuyến học xã, phường, thị trấn và 3.022 chi hội khuyến học, với tổng số trên 205.000 hội viên (chiếm tỷ lệ 24,2% dân số toàn tỉnh). Xác định công tác vận động, xây dựng và phát triển quỹ khuyến học là nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa vươn lên trong học tập, hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài.
Trong công tác xã hội hóa khuyến học, khuyến tài, hội đã tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng các cơ quan, đơn vị chung tay hỗ trợ quỹ khuyến học. Đơn cử, từ năm 2014 cho đến nay, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Quỹ học bổng Bông Mai vàng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi năm từ 10 – 12 triệu đồng. Hay như chương trình học bổng “Vì em hiếu học” do hội phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel, chi nhánh Lạng Sơn và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở các trường tiểu học, THCS các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 10 huyện trên địa bàn tỉnh; hằng năm mỗi xã được cấp 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Từ năm 2014 đến nay, chương trình đã có 5.975 học sinh được nhận học bổng, quà tặng, xe đạp, đồ dùng học tập với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, tổng số tiền qũy khuyến học toàn tỉnh đạt gần 10 tỷ đồng.
Em Dương Hồng Hạnh, học sinh lớp 7, Trường THCS xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Trong những năm qua, nhà trường và các cấp hội khuyến học trong tỉnh, huyện đã giúp đỡ, hỗ trợ cho gia đình em để em có thêm điều kiện học tập, nuôi dưỡng ước mơ tương lai. Em sẽ cố gắng học tập để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Từ nguồn xã hội hóa quỹ khuyến học trên, từ năm 2014 đến hết năm 2018, Hội Khuyến học tỉnh đã trao học bổng, khen thưởng, tặng quà cho trên 2.000 lượt học sinh với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, các trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giúp người dân cập nhật kiến thức, chuyển giao công nghệ, tham gia các lớp tập huấn, chăn nuôi…, góp phần tăng tỷ lệ người được đào tạo nghề trong xã hội.
Có thể khẳng định, việc thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()