Nỗ lực vượt qua khác biệt
Cuộc gặp chớp nhoáng ở thủ đô Paris ngày 26-10 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phần nào xoa dịu bầu không khí lạnh giá giữa hai quốc gia “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU). Tuy kết quả còn khá khiêm tốn nhưng đây là nỗ lực nhằm giúp hai nước vượt qua những bất đồng kéo dài nhiều tháng qua.
Chuyến thăm Paris của Thủ tướng Scholz được tổ chức gấp gáp trong bối cảnh cuộc họp liên chính phủ hai nước bị hoãn lại do những khác biệt trong một số chính sách quan trọng. Cuộc gặp diễn ra trong 3 giờ, dài hơn so với dự kiến, là khoảng thời gian để hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức tái khẳng định mối quan hệ đối tác quan trọng trong gần 60 năm qua. Những “vấn đề khó” như nguồn cung năng lượng của châu Âu, tình trạng giá cả tăng cao và các dự án quốc phòng chung đã được Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz đề cập tới. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng trao đổi về chuyến công du Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Scholz và chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Macron, nhất trí phối hợp chặt chẽ giữa hai bên…
Tuy nhiên, đằng sau dòng tweet của Thủ tướng Scholz khẳng định mối quan hệ Paris-Berlin “rất thân thiết”, “cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Pháp diễn ra tốt đẹp”, hay lời ca ngợi “cuộc gặp mang tính xây dựng” của ông Macron thì việc hai nhà lãnh đạo không tiến hành họp báo chung cho thấy hai bên chưa thể hàn gắn mối quan hệ vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được coi là một trong những nỗ lực nhằm giúp hai nước vượt qua những bất đồng kéo dài nhiều tháng qua. Ảnh: Reuters |
Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron đã công khai thể hiện sự bất đồng trong cách thức giải quyết khủng hoảng năng lượng, khắc phục sự bất lực của châu Âu về quốc phòng. Thậm chí, Tổng thống Macron không ngần ngại cảnh báo Đức chớ nên tự cô lập mình trong châu Âu như hiện nay. Căng thẳng đã bị đẩy lên đỉnh điểm hồi tuần trước khi cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức đầu tiên dưới thời Thủ tướng Scholz bị hoãn sang tháng 1-2023 do những khác biệt về dự thảo tuyên bố chung.
Thực tế cho thấy, rạn nứt giữa Đức và Pháp chủ yếu liên quan đến chính sách năng lượng và dự án quốc phòng. Sự khác biệt giữa hai quốc gia đầu tàu EU trở nên trầm trọng kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra hồi cuối tháng 2 vừa qua. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Đức phản đối việc áp giá trần với khí đốt trong toàn khối vì lo ngại người tiêu dùng ngừng thực hành các biện pháp tiết kiệm, khiến tình hình thêm tồi tệ. Trong khi đó, Paris lại thúc đẩy áp giá trần khí đốt toàn khối. Chương trình cứu trợ 200 tỷ euro của Berlin giống như “giọt nước tràn ly” khiến Paris nổi đóa, cáo buộc đây là “trợ cấp trá hình” để vực dậy kinh tế Đức, đồng thời “làm méo mó nghiêm trọng sự cạnh tranh kinh tế tại thị trường thống nhất châu Âu”.
Một điểm xung đột khác giữa Pháp và Đức là chính sách quốc phòng. Paris ban đầu khá hài lòng khi Thủ tướng Scholz công bố một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho quân đội Đức. Tuy nhiên, niềm vui đã nhanh chóng tan biến khi Pháp biết rằng khoản tiền này sẽ được dùng để mua vũ khí từ Mỹ. Trong khi đó, các dự án vũ khí chung mà Berlin và Paris đã thống nhất hầu như không đạt được tiến triển nào. Tổng thống Macron nhiều lần cảnh báo rằng, một cộng đồng phòng thủ châu Âu dựa trên nhập khẩu vũ khí “chẳng có ý nghĩa gì”. Trái lại, chính giới ở Berlin cho rằng dự án Hệ thống tác chiến trên không tương lai (FCAS) hợp tác giữa hai nước chủ yếu nhằm bảo vệ nhà sản xuất máy bay Dassault của Pháp….
Những rạn nứt âm ỉ trên là nguyên nhân khiến quan hệ Pháp-Đức rơi vào tình trạng lạnh giá sau nhiều năm nồng ấm. Quan hệ Pháp-Đức được xác định trên nền tảng Hiệp ước Elysée do Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký năm 1963. Trong gần 60 năm qua, hợp tác Pháp-Đức trở thành một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia và phát triển thành động lực của sự hợp nhất châu Âu. Bất ổn trong trục quan hệ Pháp-Đức không chỉ gây ảnh hưởng tới mỗi nước mà còn cản trở và làm suy yếu khả năng hành động của EU.
Củng cố mối quan hệ Pháp-Đức là sứ mệnh lịch sử của các nhà lãnh đạo mỗi nước. Điều này chắc chắn không hề dễ dàng đối với Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron, nhất là ở thời điểm này khi châu Âu chưa tìm được lối “thoát hiểm” để giải tỏa áp lực về năng lượng. Tuy nhiên, cuộc gặp chớp nhoáng ngày 26-10 cho thấy thiện chí của người đứng đầu hai nước nhằm vượt qua bất đồng hiện tại. Như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói, “con tàu” châu Âu sẽ không thể lăn bánh nhịp nhàng nếu “đầu tàu” Pháp-Đức lục đục. Paris và Berlin cần phải vượt qua sự khác biệt để cùng châu Âu đối mặt và xử lý những thách thức, khó khăn hiện nay.
Ý kiến ()