Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn ở thủy điện La Hiêng 2
Đến chiều tối 28-9, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy ba nạn nhân bị nước lũ cuốn mất tích trong đường hầm thủy điện La Hiêng 2, một công trình thủy điện đang thi công tại xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
– Đến chiều tối 28-9, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy ba nạn nhân bị nước lũ cuốn mất tích trong đường hầm thủy điện La Hiêng 2, một công trình thủy điện đang thi công tại xã Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Tai họa xảy ra vào tối 26-9, các công nhân đang làm việc ca đêm bên trong đường hầm thì nước lũ thượng nguồn bất ngờ đổ về, ba công nhân bị kẹt không ra được. Ba nạn nhân là Nguyễn Thanh Cương, ở xã Xuân Quang 3, Nguyễn Công Lệnh ở xã Xuân Quang 1 (cả hai sinh năm 1987) và một công nhân người Trung Quốc là Zho Ming Sho. Công việc cứu nạn được thực hiện trong hai ngày qua, tuy nhiên chưa có kết quả.
Đến sáng 28-9, nước sông Hà Đan đã rút, nhưng đường hầm dẫn nước thủy điện vẫn còn ngập đầy.
Ông Nguyễn Danh, cha của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh ở xã Xuân Quang 1 bàng hoàng kể lại: Khi xảy ra sự cố, ông Danh cùng ba người nữa, trong đó có anh Lệnh đang có mặt tại công trình. Ông Danh lái xe tải vận chuyển đất đá từ trong hầm ra ngoài để đổ, còn các nạn nhân đang ở sâu bên trong xúc lên xe. Khi xe ông Danh chở đất đá ra ngoài vừa quay lại đến miệng hầm thì nước lũ tràn vào, ông đã kịp chạy ra khỏi xe thoát thân. Sau đó nước chảy như thác, tràn vào hầm và vùi lấp tất cả.
Ông Danh kể: “Nước lũ tràn vào đường hầm khoảng 8 giờ 30 phút tối 26-9. Lúc đó, tôi đang chạy xe chở đá từ trong hầm ra đổ bên ngoài. Tôi rọi đèn thấy nước trên sông Hà Đan lên nhưng do mải làm nên không để ý. Vừa đổ đá xong thấy nước lên quá nhanh ngập bánh xe trước và chảy tràn vào cửa hầm, tôi vội vàng vừa lui xe, vừa la vì sợ ba người còn ở trong hầm sẽ mắc kẹt. Khi nghe tiếng la, có mấy người của công ty và người Trung Quốc chạy lại để thả nắp hầm xuống để chặn không cho nước tràn vào, nhưng không ai biết thả. Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau, tôi chạy về Ban điều hành (cách công trường gần 3 km-PV) kêu một người Trung Quốc ra bật cầu dao điện thả nắp hầm thì nước chảy quá mạnh và hầm đã ngập. Tôi đã tìm mọi cách để cứu con, nhưng không thể, do nước lũ quá mạnh…”. Ông Danh nghẹn ngào.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VRG Phú Yên cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh vào khoảng 8 đến 9 giờ tối nên anh em không kịp trở tay. Hiện công ty đang triển khai hai phương án: tiếp tục huy động phương tiện để bơm hút nước từ trong hầm ra; đồng thời huy động thêm lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, đường hầm quá dài nên phải chờ bơm bớt nước trong hầm xuống, cứu hộ mới vào lấy xác nạn nhân được. Nếu không, khi có sự cố bất ngờ, anh em cứu hộ cũng dễ mắc kẹt trong hầm”.
Ông Nguyễn Mai Đức cũng cho biết, mấy ngày qua mưa liên tục vào buổi chiều làm nước trên sông Hà Đan lên rất nhanh. Công ty cũng đã ủng hộ gia đình nạn nhân người Việt mỗi trường hợp 10 triệu đồng và lo hết toàn bộ dịch vụ mai táng cho gia đình nạn nhân.
Tại hiện trường, một số thành viên đội cứu nạn và cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thuộc Công an tỉnh Phú Yên vẫn đang tìm cách để bơm nước ra ngoài. Thế nhưng, tại hiện trường chỉ có hai máy bơm nước công suất 100 m3/giờ của ngành công an điều lên cùng một số máy bơm công suất nhỏ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần VRG Phú Yên nên việc bơm nước ra ngoài đường hầm rất khó khăn.
Thượng tá Trần Văn Ký- Phó trưởng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thuộc công an tỉnh Phú Yên cho biết: “Chúng tôi dùng năm máy bơm tổng công suất 360m3/giờ, hút nước liên tục từ đêm ngày 27 đến trưa y 28-8 nhưng lượng nước trong hầm vẫn còn khoảng 15.000m3; trong khi đó, các mạch nước ngầm vẫn liên tục chảy vào bên trong gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ”.
Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường, đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự, Phó Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đơn vị đã phải điều động thêm 2 máy bơm áp lực công suất 200m3/giờ kết hợp 5 máy bơm được bố trí từ trước, tổng công suất bơm hút sẽ đạt 560m3/giờ; đồng thời điều động 8 cán bộ, chiến sĩ lên phương án tác chiến, phối hợp lực lượng cứu hộ của địa phương, chủ đầu tư và các ngành chức năng, cố gắng đến 16 giờ ngày 29-9 sẽ cơ bản hút sạch nước trong hầm, vớt thi thể các nạn nhân giao cho gia đình mai táng.
Về nguyên nhân vụ tai nạn, theo nhận định ban đầu của các ngành chức năng, do nước lũ đổ về dồn dập, đạt đỉnh hơn 10m so với mực nước bình thường; trong khi cửa thoát lũ đập tràn quá nhỏ, đê bao không đủ độ cao để ngăn nước, dẫn đến lũ đổ ập vào đường hầm cuốn các nạn nhân vào bên trong. Điều đáng nói là trước miệng hầm đã có cửa ngăn dòng nhưng không hiểu sao lại bị vô hiệu hóa.
Theo quan sát của phóng viên, mặc dù đường hầm đã thi công được hơn 1.700m nhưng đơn vị thi công mới chỉ đổ bê tông được hơn 20m tính từ miệng hầm. Mặt khác, trong khi đường hầm còn dang dở, thì đơn vị thi công lại cho xây bờ tràn chặn dòng lũ với cửa thoát quá nhỏ, dẫn đến khi nước lũ tràn về thoát không kịp, dâng lên và tràn vào miệng hầm gây ra hiểm họa.
Đại tá Nguyễn Đình Triết cho biết, đã chỉ đạo Công ty VRG tổ chức lực lượng canh trực báo động 24/24, kịp thời phát tín hiệu thông báo khi mực nước dâng do ảnh hưởng của bão số 10; cử lực lực tự vệ phối hợp cùng công an, quân sự lập chốt chặn không cho người dân tụ tập tại khu vực cứu hộ, cứu nạn; khẩn trương lắp đặt hệ thống thông hơi, thông gió bảo đảm an toàn cho cứu hộ và cho các máy bơm hoạt động hết công suất, phấn đấu hoàn thành trước 16 giờ ngày 29-9; thuê lực lượng có nghiệp vụ đưa thi thể các nạn nhan ra khỏi hầm và cùng với gia đình tổ chức mai táng; làm đê bao quanh khu vực miệng hầm để đề phòng mực nước dâng trở lại… đồng thời cung cấp đầy đủ toàn bộ hồ sơ thiết kế, thi công cho các cơ quan chức năng để phục vụ điều tra. UBND huyện Đồng Xuân phân công một đồng chí lãnh đạo thường trực tại hiện trường cứu hộ; nắm diễn biến và thông báo kịp thời kết quả cứu hộ, cứu nạn và thông báo về UBND tỉnh 2 giờ/lần…
Được biết, nhà máy thủy điện La Hiêng – nằm trên địa bàn xã vùng cao Phú Mỡ và cách tỉnh lỵ Phú Yên hơn 100 k, về phía tây – do Công ty cổ phần VRG Phú Yên thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 18 MW. Nhà máy được khởi công vào tháng 9-2009 và kế hoạch đi vào hoạt động trong năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Riêng đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiên 2 có chiều dài 3.636m, được thi công đấu nối hai đầu giáp nhau. Phía bên xảy ra tai nạn đã thông 1.706m, phía bên kia thông 1.863m. Theo chủ đầu tư, chỉ còn khoảng 100m là thông tuyến đường hầm.
Sau sự cố xảy ra, không ít người đặt câu hỏi về điều kiện bảo đảm lao động ở đây có an toàn hay không? Ở huyện miền núi Đồng Xuân, người dân đã quá thấm thía với sự khắc nghiệt của mưa lũ. Điều kiện thời tiết bất thường như thế, nếu như các công trình đang thi công như thủy điện La Hiêng 2 có những phương án sẵn sàng đối phó với lũ lụt thì đã không xảy ra tai nạn thương tâm như vậy.
Lắp đặt hệ thống bảo đảm an toàn cho công tác cứu hộ.
Các đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường.
Toàn cảnh khu vực các công nhân bị nạn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()