Thứ 6, 07/02/2025 06:38 [(GMT +7)]
Nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Thứ 3, 04/12/2012 | 10:30:00 [(GMT +7)] A A
Để kinh tế của tỉnh tăng trưởng một cách bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức hướng dẫn và triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất đã giảm đáng kể chi phí đầu vào, tạo điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
LSO-Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 1.360 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế có nhiều biến động nên từ đầu năm 2012 đến nay, một số doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Vì thế, có khoảng 300 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, trong đó có đến 200 doanh nghiệp tạm dừng vì gặp khó khăn. Đối diện với thực tế này, tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11, lãnh đạo tỉnh cùng với các ngành chức năng đã cùng bàn, thảo luận để tìm giải pháp “giải cứu”, hỗ trợ các doanh nghiệp.
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201212/medium/352499_5.jpg)
Khai thác đá làm phụ gia cho Công ty Nhiệt điện Na Dương – Ảnh: Trí Dũng
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả, thu hút được nhiều lao động chỉ chiếm có 12%; số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả chiếm đến 40%. Nguyên nhân là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc vay vốn tín dụng, sau đó là khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hóa. Không tiêu thụ được, hàng tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp do quá khó khăn về vốn nên ngay cả việc hoạt động cầm chừng cũng không thể – đây là nguyên nhân tại sao có đến 300 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động. Thực trạng này cho thấy nếu như các cấp, ngành chức năng của tỉnh không có biện pháp kịp thời thì số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sẽ rất khó vực dậy. Các doanh nghiệp thường chỉ có một số vốn tự có, phải vay ngân hàng để làm vốn lưu động. Về vấn đề này, trong những tháng qua, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại như: Vietinbank, BIDV, Techcombank… đã chấp hành nghiêm túc các mức trần lãi suất huy động, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với các khoản nợ cũ, giảm lãi suất cho vay các hợp đồng tín dụng xuống mức lãi suất cho vay hiện hành. Hiện, các ngân hàng thương mại toàn tỉnh đã cơ bản giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp, xuất khẩu xuống mức 15%/năm, phổ biến cho vay ở mức 12-14%/năm; một số lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất cho vay 11%/năm. Đồng thời, các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét ưu tiên đầu tư tín dụng đối với các dự án trọng tâm, trọng điểm, khả thi; tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên như hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp đã được tiếp cận các khoản tín dụng mới. Tuy nhiên, tăng vốn chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt, rồi khó khăn sẽ quay lại nếu không tìm ra được thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh thị trường trong nước thì thị trường nước ngoài cũng là một tiềm năng nếu các doanh nghiệp biết phát huy tốt. Doanh nghiệp cần nhanh nhạy, linh hoạt, chủ động trong việc tìm kiếm thị trường bền vững. Đây được xem là một bài toán khó nhưng sẽ là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp phát triển lâu dài. Chính vì thế, ngoài việc hỗ trợ về khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ phía ngân hàng, để doanh nghiệp có thể đứng vững và hoạt động có hiệu quả thì các ngành chức năng như: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư… cần hỗ trợ tìm và mở thị trường, mở kênh tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Về vấn đề này, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 2 đơn vị trực thuộc của Sở Công thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư là: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đang hoạt động khá tích cực để tiếp thị, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp.
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201212/medium/352500_1.jpg)
Công nhân Nhà máy xi măng Hồng Phong vận hành máy sản xuất
Để kinh tế của tỉnh tăng trưởng một cách bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức hướng dẫn và triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất đã giảm đáng kể chi phí đầu vào, tạo điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trí Dũng
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()