Nỗ lực tìm đầu ra của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
Sản xuất mũ giày thể thao tại Công ty Giày Thái Bình. Sức mua trên thị trường đang suy giảm trong khi lượng hàng tồn kho ở DN tăng cao đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế. Giải phóng hàng tồn kho, mở rộng thị trường tiêu thụ chính là tháo nút thắt cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.Sản phẩm không tìm được đầu raDây chuyền sản xuất kẹo cứng, kẹo mềm của Công ty Bánh kẹo Hải Hà Kotobuki đã phải tạm ngừng hoạt động từ ba tháng nay. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân cũng phải nghỉ chờ việc trong nhiều tháng. Tổng Giám đốc Công ty Doãn Minh Dũng chia sẻ, chưa bao giờ, công ty lại có lượng hàng tồn kho lớn như năm nay, tám tháng qua, hàng tồn kho đã tăng 50% so cùng kỳ năm trước. Không chỉ đối mặt với khó khăn này, DN còn phải "è cổ" gánh chi phí đầu vào liên tục tăng, nhất là chi phí nhiên liệu xăng, dầu, ga liên tục tăng; chi phí tiền lương, bảo hiểm...
Sản xuất mũ giày thể thao tại Công ty Giày Thái Bình. |
Sản phẩm không tìm được đầu ra
Dây chuyền sản xuất kẹo cứng, kẹo mềm của Công ty Bánh kẹo Hải Hà Kotobuki đã phải tạm ngừng hoạt động từ ba tháng nay. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân cũng phải nghỉ chờ việc trong nhiều tháng. Tổng Giám đốc Công ty Doãn Minh Dũng chia sẻ, chưa bao giờ, công ty lại có lượng hàng tồn kho lớn như năm nay, tám tháng qua, hàng tồn kho đã tăng 50% so cùng kỳ năm trước. Không chỉ đối mặt với khó khăn này, DN còn phải “è cổ” gánh chi phí đầu vào liên tục tăng, nhất là chi phí nhiên liệu xăng, dầu, ga liên tục tăng; chi phí tiền lương, bảo hiểm tăng 30% so cùng kỳ; chi phí vận chuyển tăng hơn 10%; giá bao bì, giấy nhãn được chế biến từ hóa dầu tăng từ 5% đến 10%…
Tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, lượng tồn sản phẩm bóng đèn tròn tăng 2,12 lần, đèn huỳnh quang tăng 2,69 lần so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do các dự án bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua đều “dẫm chân tại chỗ” khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng giảm; điện tăng giá cho nên người tiêu dùng tính toán giảm sử dụng bóng đèn.
Với các DN sản xuất da giày, tình trạng cũng không mấy khả quan khi lượng hàng tồn kho tăng 15% đến 20% so cùng kỳ. Trong khi thị trường trong nước không có đầu ra thì thị trường xuất khẩu của nhiều DN cũng bị thu hẹp đáng kể. Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết, nhiều DN da giày làm hàng xuất khẩu thiếu đơn hàng, tình trạng DN phải cho lao động nghỉ chờ việc diễn ra ở nhiều DN vừa và nhỏ. Chỉ những DN lớn có uy tín khách hàng mới có đơn hàng ổn định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1-8-2012 so cùng kỳ tăng 20,8%, trong đó một số ngành có lượng tồn kho tăng cao như sản xuất bia tăng 28,8%; sản xuất thuốc lá tăng 99,4%, may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 24%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng gần 40%, sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 69,2%… Nhu cầu tiêu dùng giảm trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng việc tiêu thụ sản phẩm. Đây là tình trạng chung của các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ
Theo Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Hải Hà Kotobuki Doãn Minh Dũng, để giải quyết hàng tồn kho, DN thực hiện khuyến mãi, giảm giá từ 2 đến 15% cho các sản phẩm đưa ra thị trường. Trong bối cảnh một loạt chi phí đầu vào tăng cao, để giữ giá bán sản phẩm cạnh tranh như hiện nay, công ty chú trọng tiết kiệm chi phí đầu vào, bố trí sắp xếp dây chuyền sản xuất hợp lý để giảm tiêu hao nhiên liệu dầu đốt FO, giảm 50% định mức hao hụt đường glu-cô, giấy nhãn… Khâu phân phối cũng được công ty tập trung tổ chức lại, chấm dứt hoạt động của một số đại lý phân phối hoạt động không hiệu quả nhưng đồng thời cũng mở mới 10 đại lý tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh. Chủ động tìm kiếm thị trường để giải quyết hàng tồn kho, công ty cũng làm việc trực tiếp với các DN tại các khu công nghiệp, trường học để cung cấp 50% sản lượng bánh phục vụ Tết Trung thu và chuẩn bị phục vụ Tết Quý Tỵ 2013. Sản phẩm của công ty được tái cơ cấu lại theo hướng đa dạng sản phẩm, tăng cường sản xuất loại bánh đáp ứng số đông người tiêu dùng, giảm bớt tỷ lệ bánh cao cấp.
Với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Phó Trưởng phòng Thị trường Đỗ Hải Triều cho biết, để giữ thị trường trong nước và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, DN cố gắng duy trì sản xuất, không để lao động phải nghỉ việc, nhờ đó vẫn bảo đảm chiến lược phát triển lâu dài, ổn định lực lượng lao động có tay nghề, tránh tình trạng thiếu việc làm, lao động bỏ việc. Đặc biệt, để tiết kiệm nguyên liệu thủy tinh, công ty đã điều chỉnh giảm đường kính vỏ bóng đèn huỳnh quang T8 từ 26,8 mm xuống còn 25,5 mm, độ dày vỏ thủy tinh giảm từ 0,8 mm xuống còn 0,68 mm và sử dụng công nghệ na-nô để gia cường bề mặt ống thủy tinh bảo đảm độ bền và đẹp. Sản phẩm bóng đèn com-pắc các loại cũng được nghiên cứu để giảm đường kính ống thủy tinh mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và hiệu suất. Công ty còn phối hợp Viện Nghiên cứu Tiên tiến (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) nghiên cứu, sản xuất bột huỳnh quang ba phổ là nguyên liệu chính để sản xuất bóng đèn com-pắc, nhờ đó giảm được 50% nguyên liệu nhập khẩu so trước đây. Đơn vị cũng tự sản xuất keo gắn đầu đèn, giảm 70% chi phí nhập khẩu. Năm 2012, công ty phấn đấu giữ lợi nhuận bằng mức năm 2011, là sự cố gắng lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Tổng Giám đốc Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) Nguyễn Hồng Linh cho biết, quý I năm 2012, mức tiêu thụ thấp cho nên hàng tồn kho của Tổng công ty tăng 1,5 lần so cùng kỳ năm trước. Bước sang quý II, các DN của Habeco điều tiết sản xuất, tranh thủ bảo dưỡng thiết bị, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ miền núi thông qua hỗ trợ chi phí vận chuyển; tăng thị phần sản xuất sản phẩm bia lon đáp ứng nhu cầu du lịch, triển khai chương trình khuyến mãi trúng thưởng tại miền trung… Nhờ những biện pháp nêu trên, lượng tồn kho đến nay đã giảm xuống 30% so đầu năm.
Khai thác thị trường nông thôn được coi là chiến lược quan trọng của nhiều DN. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tập trung triển khai kế hoạch đưa hàng về nông thôn, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu tập trung đông công nhân, người lao động… thông qua các phiên chợ Việt, bán hàng nông thôn, bán hàng lưu động bình ổn giá, bán hàng chính sách xã hội để đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng. Năm 2011, Hapro đã tổ chức thành công 280 chuyến bán hàng về những khu vực nêu trên. Năm 2012, tổng công ty phấn đấu tổ chức 420 chuyến hàng, trong đó tổ chức 10 đến 12 điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” tại các huyện ngoại thành trong dịp Tết Nguyên đán 2013.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Hoàng Vệ Dũng nhìn nhận, bên cạnh việc duy trì thị trường xuất khẩu, tại thị trường trong nước cùng với yếu tố chất lượng sản phẩm, DN dệt may cần đặc biệt quan tâm yếu tố giá bán để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Để giảm chi phí, hạ giá thành, DN đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, về phía Nhà nước, cần tập trung xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại và triển khai Chương trình hỗ trợ mua sắm, kích cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng khả năng thanh toán, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, duy trì sản xuất và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Nâng cao sức mua của nhân dân và xã hội, đặc biệt đối với các sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất, từ đó góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng đối với hàng trong nước. Thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng, nhất là khu vực nông thôn, chiếm lĩnh thị trường này giúp DN giải quyết bớt hàng tồn kho, thiết
thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần được các DN ưu tiên hàng đầu. Công ty Bánh kẹo Hải Hà Kotobuki đang tập trung cho thị trường xuất khẩu, từ tháng 7-2012 bắt đầu xuất khẩu bánh kẹo sang thị trường Cam-pu-chia,
Mi-an-ma và đang triển khai xuất khẩu sang thị trường mới như châu Mỹ, châu Phi. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của công ty tăng hai lần so năm 2011.
Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt vào cuộc, chung tay cùng DN tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thiết thực triển khai chỉ đạo này của Chính phủ, vừa qua, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, một trong những biện pháp quan trọng là giúp các DN tiếp cận vốn ngân hàng để có điều kiện duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Lãnh đạo ngành đã giao các đơn vị chức năng chủ trì, nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tìm kiếm nguồn tài trợ trung và dài hạn (trong vòng từ ba đến năm năm) cho một số ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ… để mua máy móc tiên tiến nhằm hiện đại hóa dây chuyền công nghệ. Tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã được phê duyệt, góp phần tăng tiêu thụ các sản phẩm, giúp giảm hàng tồn kho. Khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm của nhau…
Theo Nhandan
Ý kiến ()