Nỗ lực thực thi cam kết liên liên quan đến lao động trong CPTPP
Quốc hội tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong CPTPP.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 , sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Qua thảo luận, Quốc hội tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98; nhấn mạnh việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU ( EVFTA ).
Băn khoăn của đại biểu về việc sau khi gia nhập Công ước số 98, bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ có một số tổ chức đại diện người lao động khác được thành lập, hoạt động, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ: “Chúng tôi cũng rà soát, đánh giá khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua… Trong đó có vấn đề rất lớn là làm sao thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất nhưng phải giữ vững được quan hệ, cũng như ổn định kinh tế- xã hội, nhất là khi ra đời các tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở bên cạnh tổ chức Tổng Liên đoàn. Chắc chắn là sẽ gặp những vấn đề khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta phải biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi.”
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung liên quan đến các cam kết quốc tế để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019.
Trước đó vào đầu giờ sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định có văn phòng kiến trúc sư trong dự án Luật Kiến trúc; thông qua một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước; một số ý kiến đề nghị cần có báo cáo về hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua.
Đề cập đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, thời gian vừa qua, việc xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, một trong những nguyên nhân do quá trình giám định tư pháp. Hiện nay, hoạt động giám định trong lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước thực hiện.
Theo đại biểu, trên thực tiễn, số lượng công việc phức tạp và các vụ án kéo dài, nên cần bổ sung thêm một cơ quan có tính độc lập cao hơn như Kiểm toán nhà nước để giám định tư pháp rất là phù hợp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; Thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh kiểm toán nhà nước…
Các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Cuối phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân.
Đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua./.
Ý kiến ()