Nằm Quảng Nam là mảnh đất bị chiến tranh tàn phá rất nặng ở khu vực miền trung, nề. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đã có hàng trăm nghìn người con quê hương lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục nghìn người trong số ấy đã “ra đi” mãi mãi không về, để lại bao nỗi đau xót, nhớ thương cho người thân và gia đình. Đồng chí Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh cho biết, trong hơn 40 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Quảng Nam luôn coi trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện chu đáo chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, số đối tượng NCC chiếm 20% dân số toàn tỉnh; trong đó có gần 65.000 liệt sĩ, hơn 104 nghìn thân nhân liệt sĩ, 30 nghìn thương binh, bệnh binh; 46.500 người và gia đình có công với cách mạng và hơn 6.400 người bị địch bắt tù đày. Và hiện có hơn 53 nghìn NCC và thân nhân được hưởng trợ cấp hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả thường xuyên mỗi năm khoảng gần một nghìn tỷ đồng.
Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách của Nhà nước đối với NCC theo quy định; hằng năm, tỉnh đều dành một khoản ngân sách hỗ trợ thêm cho các đối tượng chính sách; tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài; thường xuyên tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. Nhờ đó, đến nay đã có 100% số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, với mức bình quân 800 nghìn đồng/tháng. Ngoài số tiền trợ cấp hằng tháng, nhiều đơn vị còn cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi các mẹ ốm đau, tổ chức cho các mẹ đi tham quan, du lịch; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình và cùng với chính quyền địa phương lo mai táng khi các mẹ qua đời.
Một ngày giữa tháng 7, có dịp ghé thăm nhà bà Trương Thị Kim Liên (thương binh hạng 4/4), ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân I (huyện Núi Thành), chúng tôi chứng kiến niềm vui của gia đình khi dọn đến ngôi nhà vừa mới sửa chữa từ kinh phí được Nhà nước hỗ trợ. “Với số tiền Nhà nước hỗ trợ 23 triệu đồng, tôi vay mượn thêm 10 triệu đồng để sửa lại nhà ở. Giờ già rồi, mà có được chỗ ở như thế này là quý lắm”, bà Liên bày tỏ. Không riêng gì bà Liên, mà trong hai năm trở lại đây, ở huyện Núi Thành có 60 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Đến nay, Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hơn 46 nghìn trường hợp, với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng; riêng từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) trở lại đây, toàn tỉnh đã vận động quyên góp được hơn 768 tỷ đồng để xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ 35.680 trường hợp khó khăn đặc biệt về nhà ở. Trong đó, đã hỗ trợ xây mới hơn 24.290 căn nhà, với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua chương trình vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, địa phương đã vận động hơn 100 tỷ đồng góp phần vào việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách; hỗ trợ thân nhân của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám, chữa bệnh. Đồng thời đã vận động các đơn vị, cơ quan tặng hơn 12 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Thời gian qua, Quảng Nam đã đầu tư tôn tạo và xây dựng 130 nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ gần 60 nghìn mộ liệt sĩ và hơn 22 nghìn mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang gia tộc. Ngoài kinh phí hỗ trợ của trung ương, địa phương đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng nâng cấp hoàn chỉnh gần 40 nghĩa trang liệt sĩ, xây 70 đài tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác. Đồng thời, đầu tư sửa chữa, tôn tạo gần 70 nghìn lượt mộ liệt sĩ; tổ chức tìm kiếm, quy tập hơn 800 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ huyện, thành phố và nghĩa trang gia tộc. Trong năm 2015, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và đưa tượng đài Bà mẹ VNAH và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam vào hoạt động nhằm tri ân sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ VNAH trong cả nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh; coi công tác chăm lo, nâng cao đời sống NCC là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa”; tập trung rà soát, xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân. Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần để NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Mặt khác, tỉnh sẽ huy động các nguồn vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC theo đề án đã được phê duyệt; đồng thời thực hiện tốt Đề án nâng cấp, tôn tạo, sửa chữa mộ, nghĩa trang liệt sĩ giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo…
Ý kiến ()