Nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu kinh tế của cả năm
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế của cả năm, trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước thông qua các giải pháp tích cực cả dài hạn và ngắn hạn, trên cơ sở xác định đúng, đủ quy mô nợ và cơ cấu nợ...
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế của cả năm, trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước thông qua các giải pháp tích cực cả dài hạn và ngắn hạn, trên cơ sở xác định đúng, đủ quy mô nợ và cơ cấu nợ…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 27/6, tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2013 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh trong nước vẫn trong tình trạng khó khăn, thị trường cầu nội địa yếu.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm, nợ xấu đang là gánh nặng cho nền kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản từ cuối năm 2012 tiếp tục xảy ra trong những tháng đầu năm 2013. Việc làm của người lao động bấp bênh dẫn đến thu nhập giảm sút…
Trước tình hình đó, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ – CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Tuy tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2013 ước tính tăng 4,90% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ năm 2010 và mức tăng 5,92% của cùng kỳ năm 2011. Đóng góp vào mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%; khu vực dịch vụ tăng 5,92%.
Về cơ cấu tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,12%. Số liệu này cho thấy, tăng trưởng kinh tế phần lớn do đóng góp của khu vực dịch vụ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng là hai khu vực có mức tăng trưởng thấp hơn, chủ yếu do khó khăn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khó khăn về vốn, tiêu thụ sản phẩm và mức tồn kho cao trong khu vực công nghiệp và xây dựng.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại giảm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tốc độ tăng huy động vốn và cho vay được cải thiện, sau khi giảm trong tháng 1 đã tăng trở lại từ tháng 2 và đang có chuyển biến tích cực. Thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3,8 – 4% so với cuối năm 2012 và gấp hai lần mức tăng cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng vốn bước đầu phát huy tác dụng. Huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng tăng khá, tính đến 20/5/2013, mức huy động tăng 5,8% so với thời điểm cuối năm 2012.
Lạm phát 6 tháng đầu năm nhìn chung không có biến động lớn và giữ ổn định ở mức tăng hoặc giảm nhẹ. Riêng chỉ số giá mặt hàng lương thực và thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tiêu dùng) chỉ tăng vào 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Các tháng sau có chỉ số giá giảm. Biểu hiện này của giá tiêu dùng cho thấy thực tế hai mặt của vấn đề ổn định vĩ mô trong năm nay cần được xem xét kỹ, đó là lạm phát, mặc dù được kiềm chế do tích cực thực hiện các giải pháp, nhưng thị trường cầu hiện đang ở mức thấp, phản ánh sức mua trong dân yếu, đồng nghĩa với sản xuất đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn chung, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định như: Tăng trưởng khu vực dịch vụ giữ ổn định ở mức khá. Lạm phát được kiềm chế. Khó khăn của các doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và ẩn chứa những rủi ro tác động đến ổn định vĩ mô: Nợ xấu chưa được giải quyết. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và nhất là chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh và thời tiết. Sản xuất kinh doanh trong nước đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, tuy đã có cải thiện, nhưng sức mua thấp dẫn đến tiêu thụ hàng tồn kho chậm…
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế của cả năm, trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng cũng như nợ của các doanh nghiệp nhà nước thông qua các giải pháp tích cực cả dài hạn và ngắn hạn, trên cơ sở xác định đúng, đủ quy mô nợ và cơ cấu nợ. Thực hiện tái cấu trúc ngân hàng theo hướng hoàn thiện hệ thống ngân hàng với hoạt động kinh doanh lành mạnh, tiết kiệm chi phí và tập trung làm tốt chức năng trung gian tài chính; giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại; thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt có kiểm soát, bảo đảm mức lạm phát và mức tăng trưởng hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đi đôi với đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường và cải tiến thủ tục cho vay.
Nghiên cứu xây dựng chính sách, tạo sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng mở rộng và phát triển dịch vụ cùng với chuyển dịch các phân ngành trong nội bộ ngành công nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh về mọi mặt trong xu thế hội nhập toàn cầu của nền kinh tế như: Mô hình quản trị doanh nghiệp, năng suất lao động; trang bị và ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị; nguồn vốn kinh doanh; mẫu mã, chất lượng, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tuyển dụng và đào tạo nhân lực… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế thấp nhất rủi ro khi bị tác động xấu từ những yếu tố bất lợi khách quan ở trong và ngoài nước.
Nghiên cứu các chính sách và biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu – một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng; nghiên cứu xây dựng các giải pháp củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới; khai thác hiệu quả thị trường trong nước thông qua việc củng cố hệ thống phân phối, phát triển chuỗi cung ứng hàng hoá nhằm tạo nguồn cung bền vững và giảm chi phí, qua đó, giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao; chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường trong nước; chú trọng quản lý thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại; thực hiện điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm hàng hóa dịch vụ nhạy cảm như: Xăng dầu, dịch vụ y tế… theo lộ trình hợp lý để tránh tình trạng lạm phát quay trở lại, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác chống buôn lậu nông sản, nhất là hàng tạm nhập tái xuất để bảo vệ lợi ích cho người nông dân; nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu; tiến hành rà soát hiện trạng đất đai, nguồn lực để cơ cấu lại ngành nghề, cây con và giống phù hợp với từng địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định thu nhập người dân vùng nông thôn; Xxây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam nhằm giảm thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp, từng bước nâng cao vị thế của nông sản nước ta trên thị trường quốc tế.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()