Nỗ lực thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua được nhiều nhà nghiên cứu, phân tích đánh giá là một thảm họa tương tự cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Nhưng lần này, sự phối hợp trên phạm vi toàn cầu, sự chủ động của các Chính phủ cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã cứu nền kinh tế thế giới vượt qua suy thoái và bắt đầu hồi phục.Thực tế đó đã tạo thời cơ cho ngành công nghiệp tàu thủy sớm củng cố, ổn định và phát triển.Đối với nước ta, suy thoái kinh tế thế giới cũng đã làm cho nhiều ngành suy giảm và gặp nhiều thách thức khắc nghiệt. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lâm vào khó khăn nghiêm trọng, tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản.Chỉ qua mấy năm trong mô hình Tập đoàn kinh tế, đến đầu năm 2008, Vinashin đã được xếp hạng thứ bảy trong ngành đóng tàu thế giới, bởi vì đã thiết kế thi công được các tàu trọng tải từ 58.000 tấn đến 115.000 tấn, đóng được tàu chở hàng đến 53.000...
Thực tế đó đã tạo thời cơ cho ngành công nghiệp tàu thủy sớm củng cố, ổn định và phát triển.
Đối với nước ta, suy thoái kinh tế thế giới cũng đã làm cho nhiều ngành suy giảm và gặp nhiều thách thức khắc nghiệt. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lâm vào khó khăn nghiêm trọng, tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản.
Chỉ qua mấy năm trong mô hình Tập đoàn kinh tế, đến đầu năm 2008, Vinashin đã được xếp hạng thứ bảy trong ngành đóng tàu thế giới, bởi vì đã thiết kế thi công được các tàu trọng tải từ 58.000 tấn đến 115.000 tấn, đóng được tàu chở hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu đến 105.000 tấn, tàu chở ô-tô tới 6.900 chiếc và đóng được kho ụ nổi chứa xuất dầu 150.000 tấn… Đặc biệt là đã xây dựng được đội ngũ hơn 70 nghìn cán bộ, công nhân viên, trong đó nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, tay nghề khá cao. Trên cơ sở đó, Vinashin thu hút được sự tin cậy của nhiều khách hàng với tổng giá trị các đơn hàng và thỏa thuận hợp đồng lên tới 12 tỷ USD, đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng vài trăm con tàu với doanh thu vài tỷ USD.
Nhưng do những khuyết điểm chủ quan, thiếu nghiên cứu và dự báo cẩn trọng về thị trường, những người lãnh đạo trước đây của Vinashin đã đầu tư theo kiểu 'vung tay quá trán', dàn trải, thành lập quá nhiều các công ty con, không coi trọng nguyên tắc cân đối hợp lý nguồn vốn (dựa chủ yếu vào vốn vay, dẫn đến số nợ lớn gấp mười lần vốn chủ sở hữu).
Sai phạm thì phải tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm minh, nhưng điều quan trọng hơn cả là đưa con tàu mắc cạn Vinashin trở lại đại dương, cũng có nghĩa là đưa ngành đóng tàu nước ta phát triển để phục vụ đắc lực mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó cũng là công việc cần làm theo chủ trương mà Bộ Chính trị đã khẳng định: công nghiệp cơ khí chế tạo (trong đó có công nghiệp tàu thủy) là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tái cơ cấu để Vinashin từng bước hồi phục là giải pháp tối ưu đã đạt được sự nhất trí cao, bởi vì nó đáp ứng được mong muốn của tất cả các bên trực tiếp liên quan đến tập đoàn này, hơn thế, còn mang ý nghĩa kinh tế – xã hội tổng hợp.
Tái cơ cấu Vinashin đã được nêu rõ trong Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Chính phủ nhưng quá trình thực hiện nhất định phải vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong vài năm và đòi hỏi cán bộ phải có nhiều tài năng, sáng tạo và tâm huyết, đặc biệt cần chú trọng khâu quản trị và tài chính – kế toán.
Trước khi bước vào tái cơ cấu, tính đến ngày 30-6-2010, Vinashin có 289 công ty thành viên, tổng số nợ phải trả hơn 86 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 104 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tám nghìn tỷ đồng. Sau khi tái cơ cấu lần đầu, tính đến ngày 30-8, các con số đó là: 259 công ty, hơn 76 nghìn tỷ đồng nợ và gần 96 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản. Sau khi tái cơ cấu lần hai, số doanh nghiệp chỉ còn 43 công ty, tổng số nợ còn 53 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 68 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9.615 tỷ đồng, có nghĩa là đã, đang và sẽ thực hiện việc cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, giải thể, phá sản 216 doanh nghiệp từ nay đến năm 2013. Nếu tổ chức tốt các giải pháp đó, kết hợp với thời cơ hồi phục kinh tế toàn cầu và công tác truyền thông đúng đắn thì không ít nhà đầu tư coi cuộc tái cơ cấu Vinashin là cơ hội đáng quan tâm.
Trên thực tế, ngay từ trước khi bùng nổ thông tin về 'vụ Vinashin', Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giảm số dự án từ 104 xuống còn 28 rồi cắt tiếp xuống còn 13 để tập trung nguồn lực vào những con tàu sắp hoàn thành, có khả năng tiêu thụ được. Đồng thời cũng đã đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ. Năm 2010 Vinashin có doanh thu 10.300 tỷ đồng. Kết thúc năm 2010 đã bàn giao được 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng 577 triệu USD, bên cạnh đó, số hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực là 130 tàu với tổng trị giá hơn 2,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 57 tàu tổng trị giá gần 1,3 tỷ USD. Bước sang năm 2011 vừa ký được thêm một số hợp đồng mới.
Mặt khác, trong số 26 tàu mà Vinashin đã bàn giao sang Vinalines thì 23 tàu hoạt động có hiệu quả, đem lại doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng. Hơn thế, cước vận tải đang tăng nhanh theo nhịp độ ngoại thương toàn cầu sôi động trở lại, tiếp tục mở ra nguồn hợp đồng mới và nguồn thu mới cho cả ngành vận tải biển và ngành đóng tàu Việt Nam. Ý chí quyết tâm của cán bộ, công nhân nắm bắt những điều kiện thuận lợi đó lại nhận được những chủ trương và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị trong việc tái cấu trúc Vinashin tập trung chuyên môn hóa vào ba lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân ngành công nghiệp tàu biển.
Trong không khí cả nước phấn khởi lập thành tích đón Tết Tân Mão và kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng, sáng 26-1, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân viên hai Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Phà Rừng và Nam Triệu.
Trước khi làm việc với lãnh đạo hai tổng công ty, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tới hiện trường chúc Tết và tặng quà các đội công nhân đang tích cực lao động trong khí thế mới của năm 2011 – năm xúc tiến giai đoạn 'Củng cố' trong tiến trình tái cơ cấu gồm ba bước 'Củng cố, ổn định, phát triển' Tập đoàn Vinashin. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vui mừng vì thấy tập đoàn, nhất là các đơn vị thành viên mạnh như hai Tổng công ty Phà Rừng và Nam Triệu đã thật sự vượt qua tình trạng suy giảm, tạo thêm ngày càng nhiều việc làm và bảo đảm thu nhập tương đối ổn định cho công nhân viên.
Lãnh đạo hai tổng công ty đã báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng các nội dung chủ yếu như: đã tìm được khách hàng mới, ký được nhiều hợp đồng mà trước đây bị hủy do suy thoái kinh tế thế giới, đang tiếp tục hoàn thiện một số con tàu để bàn giao ngay từ những tháng đầu năm. Dự kiến năm nay, Tổng công ty Phà Rừng bàn giao năm chiếc tàu lớn, đạt doanh thu khoảng 2.300 tỷ đồng, số lao động đầu năm là 2.500 người, giữa năm lên hơn 3.000 người… Tổng công ty Nam Triệu đang hoàn thiện, chào bán và đóng mới hàng chục con tàu với tổng trị giá hợp đồng khoảng 8.000 tỷ đồng, hiện bảo đảm việc làm cho 4.000 người và trợ cấp chờ việc cho 1.313 người, kế hoạch năm nay ổn định việc làm cho 6.000 người. Ở cả hai tổng công ty này đều bảo đảm trả lương cho người lao động, có lương tháng thứ 13 và tiền thưởng Tết Tân Mão từ 2,5 triệu đồng/người trở lên. Số lao động ở hai tổng công ty này đều đang tiến dần tới con số ở giai đoạn phát triển cao nhất từ trước tới nay.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vinashin nói chung và hai tổng công ty nói riêng về sự nỗ lực, bản lĩnh vững vàng, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao và sự sáng tạo trong suốt quá trình hoạt động và phát triển cũng như trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị và Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Vinashin. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nước ta có vùng biển và thềm lục địa rộng gấp ba lần đất liền và đang thực hiện Chiến lược biển với mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển vào năm 2020. Nội dung cụ thể là phải mạnh về kinh tế biển, vận tải biển và công nghiệp tàu biển, cũng như khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, IMF dự báo năm nay kinh tế toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng 4,4%, chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và một số nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ có thể đạt 9,6% và 8,4%, tạo điều kiện khách quan cho ngoại thương, vận tải biển và ngành đóng tàu phát triển mạnh trở lại… Trước vận hội mới, chúng ta phải phấn đấu lấy lại vị thế, uy tín và hiệu quả của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, sao cho đứng vững trong tốp 10 nước hàng đầu về lĩnh vực này. Tiến trình tái cơ cấu Vinashin theo các bước 'Củng cố, ổn định, phát triển' phải đẩy mạnh hơn theo phương châm 'Củng cố nhanh, ổn định nhanh, phát triển nhanh' nhưng vững chắc và hiệu quả, như vậy mới thật sự đúng với chủ trương và mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, để thực hiện tốt chủ trương đó, bên cạnh ngành công nghiệp tàu thủy, trong đó các doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ công, còn có vai trò, trách nhiệm và sự hỗ trợ, cổ vũ hết sức quan trọng của các ngành, các cấp, đặc biệt là lãnh đạo Đảng ủy Khối các doanh nghiệp T.Ư và TP Hải Phòng.
Có thể nói tiến trình tái cơ cấu Vinashin vừa triển khai đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng bước đầu đã có sự thuận buồm, xuôi gió. Điều đó cho thấy, chúng ta đã kịp thời nắm bắt và phát huy được các điều kiện 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để đưa ngành đóng tàu Việt Nam hồi phục và từng bước phát triển, tiến tới sánh vai các nước mạnh về hàng hải và công nghiệp đóng tàu trong khu vực và thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()