Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Ngày 2-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học.
Năm học 2020-2021 là năm học toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiểu học ở nhà thời gian khá dài. Đặc biệt trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà nên không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần trước khi vào lớp 1.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh, việc triển khai tập huấn bị gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Mặc dù Bộ GD- ĐT và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, nhưng giáo viên cũng ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Sở GD-ĐT các địa phương, sau một học kỳ triển khai, các trường tiểu học đã thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1 linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Tại hội nghị, những ý kiến đóng góp và kiến nghị của các địa phương chung quanh các vấn đề như cơ sở vật chất; thiếu giáo viên một số bộ môn; cơ chế, chính sách tuyển giáo viên; xây dựng tài liệu giáo dục địa phương… đã được Bộ GD-ĐT giải đáp, tháo gỡ những khó khăn của địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Trước những khó khăn, thách thức, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của giáo viên về thực hiện chương trình GDPT mới đã được nâng lên, bước đầu việc triển khai đã thuận lợi, đi vào nền nếp. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng có nhiều chuyển biến. Các địa phương đã dành sự quan tâm, ưu tiên mọi nguồn lực cho học sinh lớp 1. Từ việc còn rất nhiều tỉnh, thành phố phải bố trí việc học 25 tiết/tuần do không đủ cơ sở vật chất để học sinh học 2 buổi/ngày, thì đến nay đã đáp ứng được.
Bước vào học kỳ II năm học 2020-2021, ngành giáo dục tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm đến việc bảo đảm an toàn học tập cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Hiện nay các nhà trường đang triển khai song hành hai chương trình, lớp 1 thực hiện chương trình GDPT mới, lớp 2-5 thực hiện chương trình GDPT hiện hành, cùng một trường nhưng triển khai hai chương trình theo chuẩn đầu ra khác nhau. Vì vậy, các trường cần lưu ý việc triển khai thực hiện hiệu quả, đúng yêu cầu; tạo nền móng vững chắc cho các lớp và cấp bậc học tiếp theo…Ngoài ra, các địa phương rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, My thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới.
Đối với việc chuẩn bị cho chương trình mới thực hiện ở lớp 2, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt cho giáo viên. Theo kế hoạch của sách giáo khoa lớp 2, trước ngày 15-3 phải giới thiệu sách xong, trước 31-7 phải tập huấn xong để phát hành. Bộ sẽ có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phù hợp. Việc lựa chọn SGK năm nay sẽ thực hiện theo Thông tư 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông với thẩm quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì Thông tư 1 có thẩm quyền lựa chọn là các nhà trường. Nên nếu địa phương nào có nhu cầu lựa chọn lại SGK lớp 1 thì gửi đề nghị lên UBND tỉnh để lựa chọn lại theo quy định của Thông tư 25. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện một số văn bản, trong đó đặc biệt liên quan đến công tác bồi dưỡng giáo viên, chính sách đối với nhà giáo để bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động này.
* Năm học 2020 -2021 toàn quốc hiện có 14.786 trường tiểu học với 16.323 điểm trường. Các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn.
Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 0.98 ; trong đó phòng học kiên cố đạt 79.5%; phòng học bán kiên cố đạt 18.5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 phòng.
Kết thúc học kì I năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 406 nghìn giáo viên cấp tiểu học tăng so với năm học trước gần 6.140 giáo viên. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41 giáo viên/lớp, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()