Nỗ lực thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai
LSO-Bằng các giải pháp phi công trình kết hợp với biện pháp công trình, trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Những giải pháp tích cực này đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra.
LSO-Bằng các giải pháp phi công trình kết hợp với biện pháp công trình, trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Những giải pháp tích cực này đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra.
Đẩy nhanh tiến độ kè sông Kỳ Cùng giai đoạn II trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Khó ai có thể quên đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài tới trên 40 ngày hồi đầu năm 2008. Đợt thiên tai dị thường này đã làm cho trên 25.000 con gia súc trong toàn tỉnh bị chết rét. Với đặc điểm khí hậu nhiết đới gió mùa, khí hậu Lạng Sơn chia thành 2 mùa rõ rệt, qua thống kê nhiều năm ngoài rét đậm, rét hại diễn ra vào tháng 1 đến tháng 2 hàng năm, tỉnh còn chịu các thiên tai khác như giống, lốc, sét đánh vào tháng 4, tháng 5; mưa gây ra lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở đường giao thông và ngập úng ở tiêu vùng núi đá trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Trong khi đó, những năm ít mưa, thiên tai hạn hán sẽ diễn ra trong khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 và tháng 10 hàng năm.
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ năm 2007 đến năm 2012, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể đã có 38 người chết, 41 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại về vật chất lên đến trên 335 tỷ đồng. Ngoài ra thiên tai còn gây ảnh hưởng khá nặng nề tới các hoạt động kinh tế – xã hội, môi trường…Chỉ tính riêng trong năm 2012, Lạng Sơn đã bị ảnh hưởng bởi 3 cơn bão, gây mưa lũ, ảnh hưởng tới nhiều diện tích lúa và hoa màu, nhà cửa của nhân dân và sạt lở đường giao thông. Cũng trong năm 2012, đã có 10 người bị thiệt mạng do thiên tai, trong đó có 7 người bị sét đánh, 2 người bị nước cuốn trôi và 1 người thiệt mạng do sạt lở đất.
Điểm qua một vài con số để thấy rằng tuy tình hình thiên tai không đặc biệt phức tạp như một số tỉnh ở miền Trung hay một số tỉnh trong khu vực, nhưng nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai tới tính mạng và tài sản của nhân dân vẫn luôn thường trực trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, các cấp, ngành hữu quan trong tỉnh đã nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh và tích cực triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 theo Quyết định 172/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 2 hệ thống giải pháp đã được triển khai là giải pháp phi công trình và các biện pháp công trình.
Đối với giải pháp phi công trình, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã hoàn thiện hệ thống văn bản và cơ chế, chính sách trong phòng chống thiên tai. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm các địa phương đều tiến hành kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể về phòng, chống thiên tai, đồng thời thành lập quỹ tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, trọng tâm là vận động nhân dân đóng góp, thực hiện xã hội hóa. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được gần 3 tỷ đồng đóng góp cho quỹ.
Mặt khác, Lạng Sơn đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo và nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được đo mưa tại 6 điểm và cảnh báo được lũ trên sông Kỳ Cùng và cảnh báo ngập úng tại một số điểm. Đối với rét đậm, rét hại, công tác dự báo, khắc phục đã được tăng cường thông qua việc kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền thường xuyên tại những khu vực trọng điểm. Có thể nhận thấy, từ đợt rét lịch sử trong năm 2008 trở lại đây, những thiệt hại do rét gây ra trên địa bàn tỉnh đã giảm đi rất nhiều. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ có trên 600 gia súc bị chết do rét.
Song song với các biện pháp đó, tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình trồng rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; tăng cường năng lực quản lý thiên tai và ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập quy hoạch xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai, có quy hoạch, đề án di dân, tái định cư tại các vùng này. Mặt khác, đối với các biện pháp công trình, các cấp, ngành đã tiếp tục gia cố, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đầu tư các công trình chống sạt lở, đặc biệt là dự án kè sông Kỳ Cùng trên địa bàn thành phố tiếp tục được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh và đang tích cực triển khai các giai đoạn tiếp theo…
Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định Lạng Sơn đã và đang thực hiện tốt các giải pháp trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra. Trong bối cảnh diễn biến thời tiết, khí hậu có diễn biến phức tạp như hiện nay thì phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là một trong những biện pháp tích cực để Lạng Sơn duy trì ổn định và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế – xã hội.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()