Ngày 29-7 vừa qua, tại Thủ đô Cai-rô (Ai Cập), Ủy ban sáng kiến hòa bình A-rập của Liên đoàn A-rập (AL) đã tán thành nối lại đàm phán trực tiếp giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Tuy nhiên, điều kiện và thời điểm tiến hành đàm phán trực tiếp do Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát quyết định. Ủy ban này đã đồng ý gửi một bức thư tới Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, trong đó đề cập kế hoạch đàm phán trực tiếp và những “nguyên tắc cố định” liên quan thỏa thuận trong các cuộc đàm phán giữa cố Tổng thống Pa-le-xtin Y.A-ra-phát và cựu Thủ tướng I-xra-en E.Ba-rắc. AL muốn I-xra-en có sự bảo đảm bằng văn bản để có thể chuyển từ đàm phán gián tiếp sang trực tiếp. Trước đó, Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc đã có các cuộc gặp riêng với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát và Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông G.Mít-sen. Cả Mỹ và Ai Cập đều cho rằng, I-xra-en và Pa-le-xtin phải ngồi trực tiếp với nhau mới có thể giải quyết nhiều vấn đề. Tổng thống Mu-ba-rắc khẳng định, đây là sự cần thiết để chuẩn bị những điều kiện thích hợp cho phép thành lập hai nhà nước. Tổng thống Mu-ba-rắc yêu cầu Thủ tướng I-xra-en áp dụng các biện pháp lấy lại lòng tin của Pa-le-xtin, chuyển các cuộc đàm phán gián tiếp sang đàm phán trực tiếp. Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu cũng tỏ thiện chí khi nhấn mạnh Ai Cập đóng một vai trò trung tâm và ông sẽ thảo luận với Tổng thống Mu-ba-rắc về những cách thức nhằm thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Pa-le-xtin. Những động thái này diễn ra sau các cuộc gặp riêng của đặc phái viên Mít-sen với từng nhà lãnh đạo của I-xra-en và Pa-le-xtin trong chuyến ngoại giao con thoi lần thứ sáu của ông Mít-sen tới Giê-ru-xa-lem và TP Ra-ma-la ở khu Bờ Tây, với vai trò làm trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa I-xa-en và Pa-le-xtin đã được bắt đầu từ tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, phía Pa-le-xtin tiếp tục yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ việc xây dựng các khu định cư Do Thái và vấn đề Đông Giê-ru-xa-lem trước khi nối lại đàm phán trực tiếp với I-xra-en. Tổng thống Áp-bát cũng đã đưa ra điều kiện để nối lại cuộc đàm phán này, trong đó yêu cầu I-xra-en chấp thuận về nguyên tắc sự có mặt của một bên thứ ba, có thể là NATO, chịu trách nhiệm giám sát an ninh biên giới của Nhà nước Pa-le-xtin tương lai; I-xra-en phải thừa nhận những đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 là cơ sở cho các cuộc đàm phán về ranh giới của Nhà nước Pa-le-xtin tương lai; chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất bị chiếm đóng của Pa-le-xtin. Tổng thống Áp-bát đòi I-xra-en phải đồng ý trên nguyên tắc kế hoạch trao đổi đất một cách công bằng, theo đó trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, Ten A-víp phải chấp nhận để vùng lãnh thổ I-xra-en giáp khu Bờ Tây sáp nhập vào Nhà nước Pa-le-xtin tương lai, đổi lại những phần đất bị I-xra-en chiếm đóng xây dựng một số khu định cư Do Thái lớn ở khu Bờ Tây sẽ trở thành một phần của I-xra-en. Tổng thống Áp-bát cũng khẳng định sẽ chỉ đàm phán trực tiếp khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên có tiến triển.
Hy vọng nối lại đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin xuất hiện sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu hồi đầu tháng 7 vừa qua. Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma hy vọng đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin sẽ bắt đầu trước khi quyết định tạm ngừng xây dựng các khu định cư của I-xra-en ở Đông Giê-ru-xa-lem hết hạn vào ngày 25-9 tới. Trong khi đó, Thủ tướng I-xra-en đang bị áp lực từ liên minh cánh hữu của ông đòi không gia hạn thỏa thuận này. Theo các nhà phân tích, việc Pa-le-xtin có chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp hay không phụ thuộc vào “thiện chí” thật sự của I-xra-en. Thực tế chưa có tiến triển nào trong những cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên bởi sự ngờ vực và thiếu tin cậy của Pa-le-xtin đối với I-xra-en khi Ten A-víp vẫn có các động thái gây cản trở nỗ lực giải quyết tranh chấp. Những biện pháp phong tỏa và cấm vận của I-xra-en đối với dải Ga-da, vùng đất hiện do Phong trào Hồi giáo vũ trang Ha-mát của Pa-le-xtin kiểm soát, là trở ngại lớn đối với các cuộc đàm phán hòa bình. Mới đây các phương tiện thông tin đại chúng I-xra-en còn tiết lộ, Ten A-víp đang thực hiện kế hoạch độc lập cho dải Ga-da, cho phép Ha-mát thiết lập trung tâm quyền lực riêng và để các thanh sát viên quốc tế giám sát các cửa khẩu giữa dải Ga-da và I-xra-en.
Pa-le-xtin đã phản đối kế hoạch trên, tố cáo Ten A-víp tìm cách cô lập dải Ga-da để phá hoại kế hoạch của Pa-le-xtin thiết lập một nhà nước độc lập gồm cả dải Ga-da, khu Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp chưa đạt kết quả, I-xra-en tiếp tục có các chính sách thù địch và làm mất lòng tin của người Pa-le-xtin thì việc tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp I-xra-en – Pa-le-xtin hoàn toàn không dễ dàng.
Ý kiến ()