Nỗ lực thu xếp vốn phát triển lưới điện truyền tải
Ðể đáp ứng nhu cầu phát triển lưới điện truyền tải (LÐTT) theo Quy hoạch Ðiện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2014, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) phải thu xếp gần 18.600 tỷ đồng vốn đầu tư cho gần 70 dự án lưới điện 220/500kV. Tuy nhiên, việc huy động vốn trong nước và nước ngoài đối với NPT hết sức khó khăn, vì vậy, để bảo đảm đủ vốn cho phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, bên cạnh sự nỗ lực của EVN, NPT thì cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.
Nhu cầu đầu tư lớn
Năm 2013, NPT đã thu xếp vốn cho 81 lượt dự án với tổng vốn 19.082 tỷ đồng, tăng 271% so năm 2012, trong đó: vốn trong nước thu xếp cho 62 dự án với tổng vốn 13.404 tỷ đồng; vốn nước ngoài thu xếp cho 19 dự án với tổng vốn 270 triệu USD. Năm 2014, nhu cầu vốn đầu tư của NPT là 18.593 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần 14.285 tỷ đồng để hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án LÐTT trọng điểm 220/500 kV như: Ðường dây (ÐZ) 500kV Plây Cu-Mỹ Phước-Cầu Bông, Phú Lâm-Ô Môn, Quảng Ninh-Hiệp Hòa; Trạm biến áp 500 kV Cầu Bông, Thạnh Mỹ; hoàn thành giai đoạn 2 nâng dung lượng tụ bù dọc ÐZ 500 kV Nho Quan-Hà Tĩnh;… Ngoài ra, NPT thực hiện thu xếp vốn cho 66 dự án với tổng mức đầu tư 38.069 tỷ đồng, trong đó có ba dự án khởi công trước năm 2014 và 63 dự án khởi công năm 2014. Ðến giữa tháng 2-2014, NPT đã thu xếp vốn được 12 dự án với tổng vốn 3.841 tỷ đồng; đang làm thủ tục thu xếp vốn cho 33 dự án với tổng vốn 16.668 tỷ đồng. Hiện còn 21 dự án, NPT cần làm việc với ngân hàng để thu xếp vốn khoảng 5.189 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014 đến 2020, NPT phải hoàn thành và đưa vào vận hành 267 công trình với tổng mức đầu tư 165 nghìn tỷ đồng. Số vốn cần thiết đầu tư cho dự án ước tính cần đạt 85% tổng mức đầu tư, tương ứng 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn vay chiếm khoảng 75% thì tổng số vốn huy động là 105 nghìn tỷ đồng, bình quân hằng năm 15 nghìn tỷ đồng, là số vốn rất lớn so với khả năng huy động trong nước. Thủ tục vay vốn các dự án khá phức tạp, thời gian dài (từ 1 đến 1,5 năm), nhiều bộ, ngành tham gia. Mặt khác hiện nay tình hình tài chính của NPT đã có phần được cải thiện, song giá truyền tải điện thấp, chưa có lộ trình tăng giá cụ thể, do đó các dự án thường bị đánh giá kém hiệu quả, doanh nghiệp (DN) chưa đủ khả năng trả nợ dẫn đến mức phí bảo lãnh cao (có thể lên đến 1,3%/năm).
Với nhu cầu vay lớn như NPT thì các ngân hàng trong nước không có khả năng cung cấp đủ vốn. Ðến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô lớn đều đã hết hạn mức cho NPT vay vốn. Nếu cho vay mới đều phải xin phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Thủ tướng Chính phủ. Ðiển hình khó khăn về vay vốn là Dự án ÐZ 500 kV Plây Cu – Mỹ Phước – Cầu Bông do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền trung (Ban AMT) đại diện NPT làm quản lý A với tổng vốn 9.288 tỷ đồng. Ðây là công trình trọng điểm đặc biệt quan trọng đối với việc cung ứng điện cho miền nam, dự kiến đóng điện cuối tháng 4-2014. Giám đốc Ban AMT Nguyễn Ðức Tuyển cho biết, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng với NPT 3.300 tỷ đồng (hiện giảm xuống còn 2.300 tỷ đồng) cho dự án này từ cuối năm 2012. Khi đó, Vietinbank chỉ đồng ý cho NPT vay vốn với điều kiện Chính phủ phải bảo lãnh và đã được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, sau khi NPT và Vietinbank hoàn thiện các thủ tục vay và trình Bộ Tài chính cấp bảo lãnh Chính phủ thì Bộ Tài chính yêu cầu mức phí bảo lãnh là 1,3%/năm. Với mức phí này, cộng với lãi suất phải trả thì chi phí vốn của dự án quá cao, không hiệu quả. Do đó, NPT đã đề nghị và được Vietinbank chấp thuận bảo lãnh của EVN thay cho bảo lãnh Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, khoản vay này chưa thể giải ngân được. Vì vậy, NPT đã phải thu xếp vốn để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu, bao gồm vốn tạm ứng của EVN và NPT vay ngắn hạn “bắc cầu” cho khoản vay dài hạn.
NPT cũng đã thu xếp và đang thực hiện tương đương 1,175 tỷ USD với chín khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… Nhược điểm lớn nhất của vay nước ngoài là vay bằng ngoại tệ cho nên trong điều kiện có biến động tăng về tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của bên vay, điều này làm cho DN khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính. Thủ tục xem xét và trình tự phê duyệt dự án/khoản vay còn phức tạp, phải qua nhiều cấp, cồng kềnh, thời gian trình duyệt thường kéo dài từ 1 đến 2 năm cho một dự án. Nhiều dự án do thiếu vốn đối ứng cho nên việc cấp vốn của nhà tài trợ chưa phù hợp tiến độ thực hiện. Ngoài ra, giá đền bù giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi vì nhiều lý do khách quan, dẫn đến kéo dài thời gian thi công, làm chậm khả năng giải ngân vốn.
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐTV NPT Ðặng Phan Tường bày tỏ: Một khó khăn lớn đối với công tác thu xếp vốn cho đầu tư LÐTT là trong cơ cấu giá điện hiện nay, giá truyền tải điện quá thấp, vẫn là 83,3 đồng/kW giờ, bằng khoảng 5,5% giá bán điện bình quân. Với mức giá chưa được điều chỉnh này, năm 2013, NPT đạt lợi nhuận 124 tỷ đồng, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, chưa có tích luỹ cho đầu tư, nguồn vốn tự có làm vốn đối ứng để vay vốn còn quá thấp. Theo Luật Quản lý nợ công yêu cầu thì chủ đầu tư phải đầu tư tối thiểu 20% vốn tự có cho dự án, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 854/QÐ-TTg ngày 10-7-2012 quy định từ năm 2015, tỷ lệ tự đầu tư của EVN phải phấn đấu đạt tối thiểu 30%.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực
Ðể đáp ứng nhu cầu truyền tải điện phục vụ phát triển đất nước theo Tổng sơ đồ VII, công tác thu xếp vốn có vai trò quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định đối với NPT. Do đó, EVN cần xem xét, xác định các dự án nguồn điện cần thực hiện theo cơ chế cấp bách đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó đề xuất các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ được phép áp dụng cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho NPT thuận lợi thu xếp vốn và đền bù giải phóng mặt bằng. Phó Tổng Giám đốc EVN Dương Quang Thành đề xuất, Chính phủ cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước; xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công thương phê duyệt; giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Chính phủ cần hỗ trợ EVN, NPT được vay vốn ODA với lãi suất thấp và bảo lãnh vay vốn các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB…; hỗ trợ huy động các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN và các nguồn vốn khác. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án phát triển nguồn và lưới điện. VEA mới đây đã kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh giá truyền tải điện phải chiếm từ 8 đến 10% giá điện (các nước khác, tỷ lệ này tối thiểu từ 10 đến 12%). Ðược biết, hiện nay EVN đã có tờ trình Bộ Công thương đề nghị nâng giá truyền tải điện từ 83,3 đồng/kW giờ lên 86,4 đồng/kW giờ. Tuy nhiên, nếu có được áp dụng mức giá mới này thì mỗi năm, doanh thu của NPT cũng chỉ tăng thêm hơn 300 tỷ đồng, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu đầu tư.
Theo Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), do tính chất phức tạp và quy mô đầu tư lớn của các dự án điện cấp bách, cấp quốc gia vượt quá khả năng thẩm định, đánh giá của các ngân hàng, vì vậy Chính phủ tiếp tục có những cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước khi tham gia thu xếp vốn và dự án như: có chính sách đặc thù cho các NHTM trong nước tham gia thu xếp vốn cho các dự án điện, trong đó được phép cho vay vượt hạn mức hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng (tỷ lệ 15%, 25%); NHNN chỉ đạo các NHTM trong việc cho vay tái cấp vốn trước thời hạn với lãi suất hợp lý; trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo hiểm tiền vay… cho các dự án LÐTT trọng điểm quốc gia khi vay vốn tín dụng thương mại và các NHTM trong nước đang cho vay các dự án; bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Ðối với các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, chủ đầu tư cần kết hợp với các đơn vị liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có những cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án. Căn cứ tiến độ đầu tư, chủ đầu tư cần lên kế hoạch cụ thể về nguồn vốn dự kiến giải ngân cho từng dự án theo các năm gửi cho các ngân hàng đầu mối thu xếp vốn làm cơ sở cân đối kế hoạch nguồn vốn cho các dự án. Lãnh đạo VietinBank cho rằng, các DN ngành điện cần nỗ lực nâng cao năng lực tài chính, nhất là công khai và minh bạch tình hình tài chính, chủ động hơn trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp năng lực, công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng. NHNN và các cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh các quy định của Luật các tổ chức tín dụng (Ðiều 128) như quy định bắt buộc về việc phải thu xếp cho vay hợp vốn đối với các dự án có nhu cầu vay vốn thấp và cho vay vốn lưu động để tháo gỡ khó khăn cho các NHTM trong quá trình tài trợ vốn cho các khách hàng là tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trong khi đó, VEA kiến nghị NPT, các Ban Quản lý dự án thuộc NPT cần rà soát mức độ cần thiết đầu tư của các dự án trong năm để giãn tiến độ các dự án chưa thật sự cấp bách, giảm bớt nhu cầu vốn, tập trung thu xếp vốn cho những dự án cấp bách; cần thực hiện trình tự phê duyệt dự án (kể cả hiệu chỉnh) kịp thời để phục vụ cho quá trình vay vốn; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn cho dự án để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các ngân hàng cần đẩy nhanh thủ tục thẩm định dự án, khẩn trương hoàn thiện thủ tục, sớm ký hợp đồng vay vốn và giải ngân, đáp ứng tiến độ các dự án. VDB kịp thời cho vay vốn đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ðể tháo gỡ khó khăn cho các dự án LÐTT, cuối năm 2013, tại Thông báo số 344/TP-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, phê duyệt điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2013 và lộ trình tăng giá truyền tải điện đến năm 2015, giai đoạn 2016-2020 theo đề nghị của EVN, phù hợp lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện, bảo đảm NPT đủ khả năng tự cân đối được tài chính, có thể thu xếp vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bảo đảm an ninh hệ thống lưới điện có dự phòng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()