Nỗ lực thu hồi nợ thuế
LSO-Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên tình trạng nợ thuế, nhất là nợ thuế kéo dài vẫn còn, đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung thu ngân sách. Việc thu hồi nợ thuế đang trở thành bài toán khó cho ngành chức năng.
Cán bộ Chi cục thuế huyện Lộc Bình hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp thuế |
Nợ khó thu chiếm 14,39%
Tính đến thời điểm 30/11/2015, tổng số tiền thuế nợ trên địa bàn tỉnh là 88,666 tỷ đồng (đây cũng là kết quả dự ước năm 2015), tăng 19,035 tỷ đồng (tương đương 27,34%) so với thời điểm 31/12/2014. Trong đó nhóm tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 52,528 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối năm 2014 gần 1 tỷ đồng; các khoản phạt và tiền nộp chậm là 23,376 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2014 là 16,627 tỷ đồng. Trong 2 nhóm nợ này, mặc dù số nợ có tăng nhưng khả năng thu nợ sẽ đạt cao hay nói cách khác, việc thu nợ có thể chủ động được. Tuy nhiên, cái khó trong thu hồi nợ chính là nằm ở nhóm nợ khó thu như: đối tượng nợ thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; liên quan đến trách nhiệm hình sự; đã giải thể, lâm vào tình trạng phá sản…
Bà Vi Thị Tài, Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế thuế, Cục thuế tỉnh cho biết: Tính đến ngày 31/12/2014, số nợ trong nhóm khó thu là 11,341 tỷ đồng thì đến hết tháng 11/2015, con số này là 12,762 tỷ đồng, chiếm 14,39% tổng số tiền nợ thuế. Không giống như những nhóm nợ khác luôn có sự biến động giữa nợ-trả thì nhóm khó thu này chỉ có chiều hướng tăng nợ, khó trả. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả quản lý nợ thuế chung. Bởi tổng nợ so với tổng dự toán thu là 7,62%, nhưng nếu chỉ tính đến nhóm nợ trên dưới 90 ngày thì con số này chỉ là 5,27%, sát với mức 5% chỉ tiêu nợ thuế.
Đẩy mạnh nhiều giải pháp
Mặc dù tỷ lệ nợ thuế so với tổng thu vẫn ở mức trên 5%, tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp khác nhau, con số nợ thuế vẫn tiếp tục có chiều hướng giảm. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế thuế, Cục thuế tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, tổng nợ thuế trên địa bàn vẫn còn ở mức gần 105 tỷ đồng thì đến nay, con số này đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cơ quan thuế còn thu được 46,369 tỷ đồng tiền nợ thuế cuối năm 2014 chuyển sang năm 2015, đạt tỷ lệ 66,59%. Để có được những kết quả đó, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thu nợ cũng như cưỡng chế nợ thuế. Cụ thể, cơ quan thuế đã đôn đốc, ban hành 251 thông báo đến người nộp thuế; công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi thực hiện công khai thông tin đã có 20 doanh nghiệp nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 7,202 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đôn đốc, thu hồi qua quản lý nợ thuế, việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế cũng được triển khai. Cơ quan thuế đã ban hành 14 quyết định cưỡng chế. Trong đó có biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, đã có 2 doanh nghiệp nộp 54 triệu đồng tiền nợ thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế còn dùng một số biện pháp cưỡng chế khác như: kê biên tài sản, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung, công tác thu hồi nợ thuế trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Để công tác quản lý nợ thuế đạt được kết quả cao hơn nữa, thời gian tới, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện đầy đủ các bước đôn đốc thu nợ tiền thuế, tiền phạt; đưa lên phương tiện thông tin đại chúng những doanh nghiệp có số thuế nợ lớn, nợ kéo dài; củng cố hồ sơ, xác minh tài sản thực hiện các bước cưỡng chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc thu hồi nợ đọng thuế.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()