Nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn tại dải Gaza gặp trở ngại
Những nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại dải Gaza đã gặp phải trở ngại sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu phái đoàn nước này không tiếp tục đàm phán ở Cairo (Ai Cập).
Theo AP, ngày 14-2, Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Hamas cản trở các cuộc đàm phán về thiết lập một lệnh ngừng bắn bằng các yêu cầu “ảo tưởng”, đồng thời ra lệnh cho phái đoàn Israel không tiếp tục đàm phán ở Cairo trừ khi Hamas hạ thấp các yêu cầu của mình.
Trong một tuyên bố, ông Netanyahu cho biết: “Tại Cairo, Israel không nhận được bất kỳ đề xuất mới nào từ Hamas về việc thả những con tin bị bắt giữ của chúng tôi. Một sự thay đổi trong quan điểm của Hamas sẽ mang lại tiến bộ trong các cuộc đàm phán”. Theo một số nguồn thạo tin, Hamas đã yêu cầu chấm dứt giao tranh để đổi lấy việc thả con tin, trong khi Israel chỉ đồng ý ngừng bắn có thời hạn. Cả hai bên đều sẵn sàng đưa việc thả tù nhân Palestine vào thỏa thuận, nhưng đang bất đồng về số lượng tù nhân được thả.
Khói bốc lên tại dải Gaza trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas vẫn tiếp diễn. Ảnh: AFP |
Hồi tháng 11-2023, lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần giữa Israel và Hamas đã giúp hơn 100 con tin phía Israel được thả để đổi lấy 240 tù binh Palestine. Tuy nhiên, giao tranh trở lại dải Gaza sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Mỹ, Ai Cập và Qatar đang thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm đưa Israel và Hamas tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn mới ở dải Gaza.
Đàm phán về lệnh ngừng bắn rơi vào bế tắc trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về kế hoạch của Israel tấn công vào thành phố Rafah nhằm tiêu diệt các đơn vị chiến đấu cuối cùng của Hamas. Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tấn công Hamas ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở miền Nam Gaza, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này.
Phản ứng trước tuyên bố này của Israel, các nhà lãnh đạo Australia, New Zealand và Canada đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở dải Gaza. Trong một tuyên bố chung, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định một cuộc tấn công vào Rafah sẽ gây ra thảm họa. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza ngay lập tức để bảo vệ dân thường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận hàng viện trợ khẩn cấp.
Ông Macron cũng nhấn mạnh nước này phản đối mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel vào Rafah, cho rằng điều này sẽ chỉ dẫn đến một thảm họa nhân đạo mới, trong đó có cả việc buộc người dân phải di dời. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo kế hoạch của Israel tiến quân vào Rafah có thể gây ra tác động nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự tại đây. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo “thảm họa khôn lường” nếu Israel mở rộng các cuộc tấn công trên bộ ở Rafah.
Kể từ khi nổ ra vào tháng 10-2023, cuộc xung đột Israel-Hamas đã phá hủy phần lớn dải Gaza, khiến hơn 28.000 người thiệt mạng và 68.000 người bị thương. Ngoài ra, phần lớn người dân ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện ở Gaza đã đóng cửa. Những bệnh viện còn hoạt động đang chịu áp lực ngày càng tăng khi xung đột vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh hoạt động nhân đạo gặp nhiều khó khăn, Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã hối thúc các nước đang tạm dừng hỗ trợ cho cơ quan này xem xét lại quyết định, tránh để UNRWA phải giảm quy mô hoạt động vào tháng 3 tới.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()