Nỗ lực tạo “sân chơi” công bằng
Siết chặt quản lý thuế đối với các nền tảng số đa quốc gia không còn là câu chuyện mới trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh các công ty này tìm cách chuyển doanh thu và lợi nhuận sang những “thiên đường thuế” để chi trả mức thuế thấp hơn nhiều so với lợi nhuận thu được, việc đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế toàn cầu là nhu cầu cấp thiết, hướng tới mục tiêu xây dựng một “sân chơi” công bằng.
Theo Mạng lưới Công bằng thuế (TJN), một mạng lưới toàn cầu nghiên cứu về vấn đề thuế, hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp nói chung khiến thế giới thiệt hại khoảng 427 tỷ USD mỗi năm. Con số này tương đương mức lương hằng năm của gần 34 triệu y tá trên toàn cầu. Châu Âu và Bắc Mỹ là những khu vực chịu thiệt hại tài chính lớn nhất từ hành vi trốn thuế. Tuy nhiên, cũng theo TJN, các nước nghèo lại là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ hành vi trốn thuế. Trong khi số tiền thuế thất thoát mỗi năm tại các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới) chỉ tương đương 8% tổng ngân sách y tế công cộng, thì tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, con số này tương đương gần 52% tổng ngân sách y tế công cộng.
Hành vi trốn thuế diễn ra ở nhiều lĩnh vực, song giới phân tích cho rằng, các nền tảng số đa quốc gia đã tận dụng triệt để những kẽ hở pháp lý để “lách thuế”. Những “ông lớn công nghệ” như Google, Facebook… chỉ phải trả mức thuế rất thấp ở các “thiên đường thuế” như Ireland (Ai-len), trong khi đó lại không đóng thuế tại những nước mang lại lợi nhuận cho mình. Theo báo cáo do nhóm vận động minh bạch thuế Fair Tax Foundation công bố mới đây, 149 tỷ USD là số tiền “né thuế” của sáu tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, gồm Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Netflix, Apple và Microsoft trong giai đoạn 2011 – 2020.
Thực trạng nêu trên cho thấy, việc cải tổ cơ chế quản lý hoạt động của các doanh nghiệp toàn cầu là vấn đề hết sức cấp thiết. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận áp thuế doanh nghiệp tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia được dư luận hoan nghênh. Giới chuyên gia kỳ vọng, thỏa thuận này sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý vấn nạn trốn thuế đầy nhức nhối, tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp và khuyến khích cạnh tranh trên những cơ sở tích cực, từ đó thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển. Thỏa thuận nêu trên cũng mang lại nguồn tài chính đáng kể cho các nước. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) ước tính, Pháp có thể thu về thêm hàng tỷ euro mỗi năm nhờ thỏa thuận.
Hiện nay, thế giới đang phải gồng mình chống chọi những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra và nỗ lực đưa con tàu kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến chống gian lận thuế sẽ mang đến nguồn thu đáng kể, giúp chính phủ các nước có nguồn tài chính để xây bệnh viện, trường học, cải tạo cơ sở hạ tầng và khắc phục những hậu quả của dịch Covid-19. Các quy định về thuế liên quan đến nền kinh tế số cũng cần được thắt chặt hơn, bởi lẽ đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự bùng nổ về mua sắm trực tuyến.
Thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu từng được các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ca ngợi là dấu mốc “thay đổi thế giới”. Tuy nhiên, để thỏa thuận này có hiệu lực thì các nước phải tiếp tục đàm phán về các điều khoản chi tiết, trong đó, nhiệm vụ khó khăn hàng đầu là tìm ra tiếng nói chung về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Ý kiến ()