Nỗ lực tăng trưởng thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Ðổi mới sáng tạo (ÐMST) toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 47 trong số 127 quốc gia và nền kinh tế; tăng 12 bậc so với năm 2016. Ðây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có giải pháp để tăng trưởng ổn định thứ hạng chỉ số ÐMST toàn cầu.
Theo PGS, TS Hoàng Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ÐMST được xem là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Nhóm nghiên cứu Chỉ số ÐMST toàn cầu không chấp nhận dữ liệu do các quốc gia cung cấp mà sử dụng dữ liệu thu thập và tính toán bởi các tổ chức quốc tế khác nhau cho nên rất khách quan. Chỉ số ÐMST toàn cầu giống như một hồ sơ quốc gia, chỉ rõ điểm mạnh và điểm yếu của quốc gia đó với hơn 80 chỉ tiêu được căn cứ để xếp loại. Chỉ số này là một trong những tham chiếu quan trọng để nhìn nhận, đánh giá năng lực của hệ thống ÐMST quốc gia, giúp lựa chọn chiến lược và chính sách tham gia chuỗi giá trị ÐMST toàn cầu và tập trung nâng cao năng lực cốt lõi về ÐMST.
Kết quả xếp hạng chỉ số ÐMST toàn cầu năm 2017 cho thấy, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số ba năm 2016) trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước). Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba, xếp sau Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và trên Thái-lan. Cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về ÐMST của Việt Nam năm 2017 đều có các tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Nhóm chỉ số đầu vào tăng tám bậc; trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc như: Thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, hạ tầng và trình độ phát triển của thị trường. Nhóm chỉ số đầu ra tăng bốn bậc, trong đó chủ yếu là đầu ra về tri thức và công nghệ.
Chuyên gia cao cấp của WIPO X.Vin-xen đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số ÐMST toàn cầu 2017. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là những nước thu nhập trung bình cao nhưng chỉ xếp ở tốp 50; trong khi Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp nhưng cũng được xếp vào nhóm này. Theo ông Vin-xen, Việt Nam có đầu vào khiêm tốn nhưng lại đạt được hiệu quả cao về ÐMST. Ðây là một thành công lớn khi WIPO xem xét 10 nước ÐMST hiệu quả nhất, trong đó có các nước như Ðức, Hà Lan, Trung Quốc. Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến xu hướng cải thiện Chỉ số ÐMST của Việt Nam những năm qua và nhất là năm 2017. Trong đó, có thể thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt việc chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho ÐMST trong nước. Việt Nam đã củng cố được thị trường tín dụng; cải thiện cơ sở hạ tầng, nhập khẩu công nghệ cao tốt hơn. Việt Nam cũng đứng đầu thế giới về tăng trưởng năng suất và đứng thứ tư về xuất khẩu công nghệ cao.
Chuyên gia của WIPO cho rằng, để tiếp tục cải thiện năng lực ÐMST quốc gia, Việt Nam cần lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ. Ðồng thời tăng cường giáo dục để củng cố nghiên cứu và ÐMST; lồng ghép các kế hoạch về sở hữu trí tuệ để thích ứng với các nhu cầu về chính sách ÐMST.
Ðại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) cho biết, một số các quốc gia châu Á bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po, Thái-lan và Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường sáng tạo và thu được những kết quả ở một loạt chỉ số quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển; tăng trưởng năng suất lao động, xuất khẩu công nghệ cao… Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về Chỉ số ÐMST so với trình độ phát triển; đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và thu được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả bảy trụ cột quyết định Chỉ số Sáng tạo toàn cầu (GII).
Theo Ðại sứ Dương Chí Dũng, mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc về xếp hạng Chỉ số ÐMST toàn cầu, song nếu không có chính sách phù hợp thì Việt Nam vẫn có thể tụt hạng. Ðể phát huy tiềm năng sáng tạo, nước ta cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ÐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu, khảo sát hoặc thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế như WIPO và các nước thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng GII nhằm học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các bài học thành công, qua đó tranh thủ sự giúp đỡ của các nước này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải thiện thể chế; xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh; cơ cấu lại các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và ÐMST; tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ÐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực ÐMST và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; có những giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()