Nỗ lực phục hồi chức năng cho người khuyết tật
LSO- Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có nhiều người khuyết tật (NKT) được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đây là hoạt động nhằm tiến tới mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 70% NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Cuối năm 2016, ông Lý Văn Nanh ở thôn Nà Páng, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định được trợ giúp 1 đôi nạng nách. Đối với ông Nanh, món quà trên thật sự rất thiết thực. Nó giúp ông thuận tiện hơn rất nhiều trong sinh hoạt. Còn bà Vũ Thị Tâm, năm nay đã 77 tuổi ở thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cũng nhận được sự trợ giúp là 1 chiếc gậy 3 chân. Bà Tâm cho biết: Trước kia đi lại đã khó khăn, giờ tuổi cao sức yếu, tôi được tư vấn, khám sức khỏe, lại được hỗ trợ chiếc gậy 3 chân để hỗ trợ đi lại nên cảm thấy rất vui. Cuộc sống cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn nhiều.
Bệnh nhân được điều trị để phục hồi chức năng vận động tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
Niềm vui của những NKT được trợ giúp chính là mục đích của kế hoạch phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thuộc đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh năm 2016. Bác sĩ Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế triển khai, giao cho Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thực hiện. Do đó, ngay khi được giao nhiệm vụ, bệnh viện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, tổ chức họp và triển khai kế hoạch phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Đồng thời phân công công việc, cử bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên chuyên ngành điều dưỡng phối hợp trực tiếp với trung tâm y tế các huyện triển khai các nội dung tập huấn, khám sàng lọc phân loại, đánh giá mức độ khuyết tật, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT. Với kinh phí 60 triệu đồng, bệnh viện lựa chọn 3 nội dung cụ thể để tập trung thực hiện, gồm: tập huấn nâng cao kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khám cho NKT; mua và cấp phát các dụng cụ trợ giúp cho NKT trên cơ sở của kết quả khám và lựa chọn NKT được trợ giúp các dụng cụ phù hợp. Các nội dung được triển khai thực hiện tại 5 xã trọng điểm của 2 huyện Tràng Định và Hữu Lũng.
Theo đó, từ đầu năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo đề án đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 90 cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng của trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các xã. Các học viên được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện sớm các dạng khuyết tật thường gặp, hướng dẫn NKT kỹ thuật thích nghi, cách sử dụng các dụng cụ phục hồi chức năng để độc lập tối đa trong sinh hoạt và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, gần 190 NKT của 5 xã trọng điểm đã được khám, tư vấn điều trị phục hồi chức năng; trong đó, 37 người được lựa chọn cung cấp dụng cụ trợ giúp như nạng nách, gậy 3 chân, khung tập đi, đai lưng… Ước tính tỷ lệ NKT được khám trên tổng số NKT của 5 xã trọng điểm là 78,2%.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có trên 10.000 NKT các dạng. Có thể dễ dàng nhận thấy, con số NKT được trợ giúp còn quá ít so với thực tế. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ của đề án hạn chế, nên các hoạt động nằm trong phạm vi đề án còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu được chăm sóc sức khỏe rất lớn của NKT ở cộng đồng. Bác sĩ Trường cho biết: Để có thêm nhiều NKT được trợ giúp, đề án cần có thêm nhiều kinh phí hoạt động để thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về NKT trên địa bàn.
HOÀI AN
Ý kiến ()