Nỗ lực phòng, chống cháy rừng
Để chủ động đối phó nguy cơ cháy rừng vào mùa khô, các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đác Nông, Đác Lắc, Kon Tum đã chuẩn bị nhiều phương án phòng, chống. Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng Kon Tum đã kiểm tra, rà soát lại những phương án phòng, chống cháy rừng ở các địa phương, đơn vị chủ rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tỉnh đã thành lập 96 ban chỉ đạo bảo vệ rừng các cấp, với tổng số 1.458 người; lập 739 tổ đội bảo vệ, trong đó có 62 tổ đội của chủ rừng gồm 432 người; 677 tổ đội tại thôn gồm 4.535 người…
* Từ giữa tháng 4 đến nay, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã phát đi năm bản tin cảnh báo cháy rừng, cấp báo động cũng nâng lên từ cấp 3 đến cấp 4, nguy hiểm, có khả năng xảy ra cháy rừng diện rộng. Chi cục đề nghị các hạt kiểm lâm tăng cường giám sát, kiểm tra các chủ rừng trong việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với ban quản lý các khu du lịch sinh thái giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại rừng; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng.
* Gần 5 tháng nay, tỉnh Ninh Thuận liên tục không có mưa, nắng hạn diễn ra gay gắt, cánh đồng khô hạn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề chăn nuôi gia súc. Để chủ động ứng phó với hạn, nhiều giải pháp hữu hiệu như chủ động trồng cỏ; thu mua phụ phẩm nông nghiệp dự trữ; di chuyển đàn gia súc chạy đồng đến nơi có thức ăn, nước uống… đang được người chăn nuôi ở Ninh Thuận khẩn trương thực hiện để cứu gia súc.
* Giai đoạn 2018-2020, tỉnh Trà Vinh cần khoảng 280 tỷ đồng để thực hiện các dự án di dân, bố trí chỗ ở tái định cư cho gần 700 hộ dân tại những vùng bị sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó dành hơn 247 tỷ đồng thực hiện sáu dự án đầu tư mới, số tiền còn lại, tỉnh tiếp tục thực hiện ba dự án di dời hộ dân chưa hoàn thành. Đến nay, Trà Vinh đã đầu tư hơn 107 tỷ đồng để thực hiện công tác di dân tại các vùng bị sạt lở trên địa bàn tỉnh với 502 hộ (hơn 2.000 nhân khẩu) được bố trí chỗ ở tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống…
* Tuyến đê Biển Tây, đoạn thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa xuất hiện hai điểm sạt lở mới tại bờ bắc và bờ nam Vàm Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hải) với chiều dài 1,2 km; bờ bắc và bờ nam Vàm Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây) với chiều dài 2,4 km. Để tránh sạt lở tiếp diễn, cơ quan chức năng và chính quyền huyện Trần Văn Thời đề xuất UBND tỉnh Cà Mau cho phép trích kinh phí hộ đê khẩn cấp tại hai điểm sạt lở nêu trên trong mùa mưa bão năm 2018. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng kè kiên cố chống sạt lở, bảo vệ thân đê, bảo vệ hàng trăm héc-ta đất sản xuất ở huyện Trần Văn Thời.
* Nhiều ruộng dưa hấu ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đến kỳ thu hoạch, nông dân bán giá 1.000 đồng/kg nhưng hiện không có người mua. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, huyện có gần 500 ha dưa hấu đang cho thu hoạch. Vừa qua, dưa hấu đã được thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/kg, nhưng sau đó ngừng thu mua khiến dưa bị ứ đọng.
* Nông dân tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân trong niềm vui trúng mùa, trúng giá, cho lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, đạt từ 35 đến 40 triệu đồng/ha. Đây được xem là một trong những vụ lúa bội thu cả về năng suất, giá cả.
* Tỉnh Bến Tre thống nhất lịch thời vụ xuống giống lúa vụ hè thu 2018 trên địa bàn tỉnh từ ngày 15-5 đến 15-6. Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân chỉ xuống giống khi lượng mưa đều, nguồn nước kênh, rạch dồi dào, không nhiễm mặn. Ngoài ra, cần tuân thủ xuống giống tập trung, né rầy trong từng cánh đồng và từng khu vực.
* Trước tình trạng giá mía xuống thấp, các nhà máy chế biến mía đường tiêu thụ chậm, nhiều nông dân tại tỉnh Phú Yên đã và đang phá bỏ cây mía để trồng sắn. Chỉ trong vòng một tuần gần đây diện tích sắn trồng mới lên đến hơn 4.800 ha. Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng sắn; cần giữ mía gốc lại vì công chăm sóc ít và được hưởng lợi…
* Tỉnh Quảng Trị đang tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở vùng ven biển phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích nuôi tôm 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 6.800 tấn. Theo đó, tỉnh đã và đang xây dựng vùng nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi quảng canh ở một số xã thuộc các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh được nuôi trên vùng cát ven biển ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hôm nay 9-5 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông nhiều nơi, riêng vùng núi đêm nay có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam cho nên trong các ngày 9 và 10-5 ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông nhiều nơi, thời gian mưa dông xuất hiện về chiều và tối. Trong cơn dông có khả năng xuất hiện tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do tố, lốc, mưa đá ở Tây Nguyên và Nam Bộ: cấp 1.
Theo Nhandan
Ý kiến ()