Nỗ lực phi đôla hóa trong thương mại Nga – Arab
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhiệm vụ chính của Nga là tìm kiếm các phương thức khác trong thực hiện hoạt động kinh tế đối ngoại, với việc loại bỏ liên kết với đồng USD và đồng euro vốn đã trở nên khá quen thuộc đối với hầu hết các nhà điều hành kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, xu hướng suy yếu của đồng USD không có nghĩa là không có thách thức nào có thể ngăn cản các đồng tiền khác mạnh lên được. Igor Matveev thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Nga (MGIMO) viết: “Thực tiễn của nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 cho thấy việc chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia và tiền tệ thanh toán bù trừ trong hoạt động kinh tế đối ngoại không chỉ đòi hỏi ý chí chính trị mà còn cả điều kiện kinh tế”.
Ngân hàng Trung ương Nga: Đến tháng 5/2023, 49,8% hóa đơn xuất khẩu từ Liên bang Nga sang châu Âu được thực hiện bằng đồng ruble.
Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (SMO) xảy ra, một quy định được đưa ra như là biện pháp bảo vệ, theo đó tất cả các tài khoản thanh toán hóa đơn khí đốt được cung cấp qua đường ống cho các quốc gia không thân thiện phải được thực hiện bằng đồng ruble Nga. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến tháng 5/2023, 49,8% hóa đơn xuất khẩu từ Liên bang Nga sang châu Âu được thực hiện bằng đồng ruble (so với 45,1% bằng đồng tiền của các quốc gia không thân thiện). Các con số này ở châu Á là 36,3% so với 30,2% và ở châu Phi là 24,2% so với 58,9%. Tổng tỷ lệ giao dịch bằng đồng USD và euro trong hàng nhập khẩu của Nga từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2023 đã giảm từ 67,3% xuống còn 35,9%.
Yêu cầu ngừng sử dụng đồng USD và euro để ưu tiên đồng tiền quốc gia trong các thỏa thuận với các đồng minh và đối tác nhất quán với tài liệu Khái niệm chính sách đối ngoại của Nga được phê duyệt vào ngày 31/3/2023 (điều khoản 39,2). Khái niệm này bao gồm việc hướng sang Trung Đông, mặc dù thực tế là trước SMO, các quốc gia trong khu vực này chiếm không quá 9% xuất khẩu và 3% nhập khẩu của Nga (trong đó các đối tác Arab hàng đầu, cụ thể là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Algeria, chiếm 2,4% và 0,32%). Không phải ngẫu nhiên mà vào ngày 18/1/2023, đồng tiền của 3 quốc gia Arab – đồng dirham của UAE, đồng rial của Qatar và đồng bảng Ai Cập – đã đồng thời được Ngân hàng Trung ương Nga đưa vào danh sách tiền tệ để thiết lập tỷ giá hối đoái hàng ngày so với đồng ruble, đây là động thái mà các chuyên gia cho rằng phản ánh việc tăng doanh thu nhờ những đồng tiền đó.
Sự suy yếu của USD
Điều quan trọng là xu hướng làm suy yếu sự thống trị gần 80 năm của đồng USD đã lan ra toàn cầu, mở ra khả năng xuất hiện các phương án tài chính thay thế. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy nhanh quá trình này. Một ví dụ điển hình là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, có tỷ trọng giao dịch tăng từ 0,63% lên 3,2% trong giai đoạn 2013 đến tháng 1/2022 (thậm chí trước SMO), nâng đồng tiền này từ vị trí thứ 13 lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng lưu thông tiền tệ, xếp sau USD, đồng euro và bảng Anh. Thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ giữa UAE và Trung Quốc được ký kết hồi tháng 3/2023 tại Sàn giao dịch Dầu khí Thượng Hải đã trở thành một sự kiện cột mốc.
Tháng 8/2022, lần đầu tiên đồng nhân dân tệ vượt qua đồng USD về khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch Moscow.
Ngày càng có nhiều bên tham gia thương mại nước ngoài quan tâm đến tiền điện tử, trong đó Iran là nước đầu tiên ở Trung Đông tìm cách tận dụng ưu thế của đồng tiền này. Năm 2018, ngay sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Ngân hàng Trung ương Iran đã công bố ra mắt một loại tiền điện tử dựa trên đồng rial, được sử dụng tron xuất nhập khẩu kể từ năm 2019. Trong giai đoạn 2018 – 2022, các giao dịch trị giá 8 tỷ USD đã được thực hiện thông qua sàn giao dịch Binance, tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ.
Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Nga. Ngày 18/11/2022, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đã thông qua một dự luật quy định việc khai thác tiền điện tử. Thế giới Arab cũng đang có trào lưu thiết lập tiền điện tử. Do đó, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ vào ngày 23/1/2023, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế thuộc Bộ Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã tuyên bố đất nước của ông có ý định trở thành một “trung tâm tiền điện tử”.
Tuy nhiên, như đã nói. Xu hướng đồng USD suy yếu không có nghĩa là không có thách thức nào có thể ngăn cản các đồng tiền khác mạnh lên. Khi các quỹ không lưu thông qua biên giới, điều kiện cần thiết để thực hiện biện pháp trừng phạt, điều cốt yếu liên quan đến thanh toán bù trừ là sự cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Đồng tiền mạnh, đồng tiền yếu
Mặt khác, không thể tránh khỏi các vấn đề phát sinh do đặc thù của đồng tiền thanh toán bù trừ mà không phải là đồng tiền mạnh. Trong giai đoạn có thương mại một chiều với Ấn Độ, đồng rupee yếu đã gây rắc rối cho Liên Xô, khiến New Delhi nợ Moscow hàng tỷ USD. Kể từ đó, tình trạng của đồng rupee không thay đổi, gây hạn chế sự phát triển của thương mại, mặc dù vào năm 2022, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu mỏ lớn thứ 2 của Nga (sau Trung Quốc).
Amin Nasser, Chủ tịch của công ty dầu khí Saudi Aramco thừa nhận rằng giao dịch chủ yếu vẫn được thực hiện bằng đồng USD.
Theo một số dự báo, Nga có nguy cơ rơi vào cái bẫy tương tự với đồng nhân dân tệ. Tháng 8/2022, lần đầu tiên đồng nhân dân tệ vượt qua đồng USD về khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch Moscow. Tuy nhiên, do dự trữ vàng và ngoại hối trị giá lên tới 3.800 tỷ USD và nhu cầu tạm thời về đồng nhân dân tệ ở Nga (tháng 3/2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 136% tính theo năm), dù cho đồng tiền này vẫn ổn định, thì khả năng chuyển đổi vẫn là vấn đề gây thách thức. Điều này có thể giải thích cho sự biến động vị trí của đồng nhân dân tệ trong bảng xếp hạng tiền tệ thế giới. Từ vị trí thứ tư vào năm 2022, đồng nhân dân tệ tụt xuống vị trí thứ năm hồi tháng 4/2023 với tỷ lệ 2,29%, thua đồng yên của Nhật Bản (3,51%). Các đối tác Arab của Bắc Kinh nhận thức được thách thức này: sau cuộc đàm phán gây xôn xao dư luận vào năm 2022 về việc chuyển sang thanh toán hợp đồng mua dầu mỏ từ Saudi Arabia bằng đồng nhân dân tệ, Amin Nasser, Chủ tịch của công ty dầu khí Saudi Aramco thừa nhận rằng giao dịch chủ yếu vẫn được thực hiện bằng đồng USD.
Hơn nữa, những rủi ro liên quan đến đồng nhân dân tệ đang gia tăng, vì tỷ giá của đồng tiền này được Chính phủ Trung Quốc thiết lập thông qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc: Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc “định giá thấp” đồng nhân dân tệ để mang lại cho các nhà xuất khẩu của họ “những lợi thế không công bằng”.
Đồng ruble
Đồng ruble của Nga có nhược điểm là không thể chuyển đổi giống như đồng rupee và nhân dân tệ, và thật không may, điểm bất lợi đang ngày càng trầm trọng trong bối cảnh phương Tây nghiêm cấm các dòng tài chính: từ việc loại các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cho đến việc đe dọa tiến hành biện pháp trừng phạt thứ cấp. Yếu tố này cản trở sự phát triển ngoại thương của Nga, nhưng cũng kích thích nước này tìm kiếm phương sách đối phó thông qua việc sử dụng công nghệ chuỗi khối cùng các biện pháp khác.
Xu hướng đồng USD suy yếu không đồng nghĩa với việc không còn thách thức nào có thể ngăn cản các đồng tiền khác mạnh lên.
Có một thực tế, là Nga đang hành động thống nhất với thế giới Arab. Đơn cử khi phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, không giống như tiền điện tử, tổ chức phát hành là nhà nước, Nga đã lên kế hoạch cho ra mắt đồng ruble kỹ thuật số trong năm nay. Những nhược điểm của đồng ruble do bản chất không phải là đồng tiền mạnh được bù đắp thông qua việc nó được sử dụng trong các thỏa thuận chung trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU). Do đó, vào năm 2021, tỷ lệ các khoản thanh toán liên quan, chủ yếu có sự tham gia của Nga, đạt 71,3% mặc dù đồng USD vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu các giao dịch không có sự tham gia của Nga. Việc đưa vào sử dụng các cơ chế thanh toán đầy hứa hẹn mang lại cơ sở để lạc quan.
Vào năm 2022, thẻ thuộc hệ thống thanh toán ArCa đã được phát hành ở Armenia, hoạt động cùng với hệ thống thanh toán MIR của Nga, và do đó, được kết nối với hệ thống Belkart của Belarus. Việc tích hợp hệ thống Elkart của Kyrgyzstan với ArCa, Belkart và MIR cũng đã được hoàn tất. Điều này làm tăng sức hấp dẫn của EAEU đối với các quốc gia Arab vì lợi ích chung của họ trong không gian địa chính trị Á – Âu. Kể từ năm 2019, Ai Cập và EAEU đã thực hiện 5 vòng đàm phán để ký kết thỏa thuận về khu vực thương mại tự do – sau thỏa thuận với Serbia có hiệu lực vào năm 2021. EAEU cũng tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do với UAE, trong đó bổ sung hiệp định song phương về thương mại dịch vụ và đầu tư theo đề xuất của Bộ Phát triển Kinh tế Nga.
Dù không dễ nhưng đáng để đánh giá thương mại Nga – Arab theo quan điểm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trong số các tổ chức Á – Âu, SCO được các nước Arab quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngoại trừ Oman – nhờ sự tham gia của các trung tâm mới của thế giới đa cực (Ấn Độ, Trung Quốc và Nga). Kể từ tháng 9/2022, Ai Cập và Qatar là các đối tác đối thoại của SCO; Saudi Arabia đã tham gia vào tháng 3/2023, tiếp theo là Kuwait và UAE vào tháng 5, tiếp sau đó là Bahrain, Iraq, Syria và Algeria đã nộp đơn xin tham gia SCO với tư cách quan sát viên.
Dù đã có ý chí chính trị, lợi ích riêng khiến các thành viên SCO vẫn chưa thể tạo ra một nền tảng chung để tài trợ cho hoạt động kinh tế đối ngoại. Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã công khai thừa nhận tại hội nghị thượng đỉnh SCO tại Ấn Độ vừa rồi: “Trong hơn 20 năm, không một dự án kinh tế lớn nào được thực hiện dưới sự bảo trợ của SCO”. Về vấn đề này, quan hệ đối tác với các quốc gia GCC dư giả tài chính sẽ giúp hiện thực hóa ý tưởng của lãnh đạo Kazakhstan về việc lập ra quỹ SCO để kích thích đầu tư, vốn đã nhận được sự ủng hộ về nguyên tắc từ Moscow.
Do sự khác biệt về lợi ích giữa các nước BRICS, dự án phát hành đồng tiền chung tương tự như đồng euro đã không thể thực hiện được. Nhưng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực tài chính đã được tích lũy và rất đáng kể, như trong trường hợp SCO và EAEU, thu hút sự chú ý của các quốc gia Arab (Algeria, Ai Cập, Bahrain, Saudi Arabia và UAE đã nộp đơn xin gia nhập BRICS). Đặc biệt, chúng ta đang nói về việc tạo ra một hệ thống thanh toán kỹ thuật số tích hợp (BRICS Pay), cho phép thực hiện các giao dịch mà không cần phải chuyển đổi đồng tiền quốc gia thành đồng USD; hiện các quỹ bằng đồng tiền quốc gia chỉ chiếm 22% vốn của Ngân hàng phát triển mới (NDB) được BRICS thành lập vào năm 2014. Kể từ năm 2019, đã có các cuộc thảo luận về khả năng sử dụng đồng tiền kỹ thuật số xuyên quốc gia của BRICS.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/no-luc-phi-dola-hoa-trong-thuong-mai-nga–arab-i712116/
Ý kiến ()