Nỗ lực “phá băng” của Mỹ và Iran
Mỹ và Iran đã có những nỗ lực “phá băng” quan hệ cũng như làm sống lại thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Kể từ cuối năm 2022, các nhà ngoại giao hai nước đã tiến hành những cuộc thảo luận không chính thức với mục đích tìm kiếm một thỏa thuận mới liên quan đến việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran và giảm bớt các biện pháp trừng phạt của Washington.
Trong một bài phát biểu ít được chú ý hôm 4-5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang “làm việc với Iran, về mặt ngoại giao, liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này”. Ngày 11-6, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng, mặc dù không chấp nhận việc dỡ bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran nhưng ông có đủ điều kiện để “thực hiện một số thỏa thuận nhất định trong một số lĩnh vực nhất định. Và đó không phải là vấn đề”.
Điều gì đã xảy ra trước những tuyên bố của ông Sullivan và lãnh tụ tối cao Ali Khamenei? Theo tờ The New York Times, vào cuối năm 2022, tại New York, ông Robert Malley, Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden tại Iran, đã gặp Đại sứ của Tehran tại Liên hợp quốc để nối lại các cuộc đàm phán nhằm thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran và giảm những biện pháp trừng phạt vào nước này của Washington.
Tuy nhiên, “cái bóng” Israel luôn bao trùm việc nối lại các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Iran. Vào đầu tháng 4-một tháng trước bài phát biểu của ông Sullivan, phóng viên Barak Ravid của tờ Axios (Israel) cho biết, các đại diện của chính quyền Biden đã tham khảo ý kiến của những đối tác châu Âu và Israel về một thỏa thuận phá vỡ tình trạng “đóng băng” hiện nay. Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt và không áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Vào tháng 5, phóng viên Ravid tiết lộ thêm rằng, Brett McGurk-cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden về Trung Đông-đã đến Vương quốc Hồi giáo Oman để thảo luận về khả năng “mở cửa” với Tehran, trong đó các nhà ngoại giao Oman sẽ đóng vai trò trung gian. Ngày 8-6, tờ báo Haaretz của Israel có bài viết với nội dung chính: “Tiến bộ lớn trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran nhằm đạt được một thỏa thuận mới”.
![]() |
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian (bên trái) gặp người đồng cấp Oman Sayyid Badr bin Hamad bin Hamood al-Busaidi tại Muscat (Oman), để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Tehran. Ảnh: AFP |
Bà Laura Rozen, chuyên gia phân tích về quan hệ Mỹ-Iran, cho rằng các bài báo của Axios và Haaretz là sản phẩm của sự rò rỉ có chủ ý (và hơi phóng đại) của các quan chức Israel nhằm phá hỏng bất kỳ sự nối lại ngoại giao nào, kể cả nỗ lực đạt được một thỏa thuận hạn chế giữa Washington và Tehran. Theo bà Rozen, mặc dù nhiều quan chức tình báo và quân đội Israel coi việc có thỏa thuận hạt nhân Iran tốt hơn là không có nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn coi đó là mối đe dọa lớn. Bà Rozen nhấn mạnh, Saudi Arabia và các nhà lãnh đạo Sunni luôn cảnh giác với bất kỳ lời đề nghị nào có thể giúp ích cho Iran. Do đó, việc Israel tiết lộ các cuộc đàm phán trước khi chúng đơm hoa kết trái có thể gây ra phản ứng dữ dội từ nhiều cấp độ và khiến thỏa thuận thất bại.
Thỏa thuận đang được đàm phán không có bề rộng như thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Điều khoản thứ hai của JCPOA quy định Iran phải dỡ bỏ gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân của mình và mở các địa điểm khả nghi để thanh tra xâm nhập. Đổi lại, Mỹ hủy bỏ hầu hết biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong 3 năm thỏa thuận có hiệu lực, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã báo cáo rằng Tehran đã tuân thủ các điều khoản và thời hạn quy định trong thỏa thuận.
Theo các điều khoản của thỏa thuận mới nếu hai bên có thể đạt được, Iran sẽ ngừng làm giàu uranium vượt quá mức hiện tại, ngăn chặn những lực lượng ủy nhiệm tấn công các nhà thầu và lợi ích của Mỹ ở Syria và Iraq, cho phép các thanh sát viên quốc tế quay trở lại những cơ sở hạt nhân của nước này, thả 3 tù nhân người Mỹ gốc Iran và trong một động thái quan trọng ở một vùng chiến sự khác, ngừng bán tên lửa đạn đạo chống tăng cho Nga. Đổi lại, Mỹ sẽ không thắt chặt những biện pháp trừng phạt, ngừng bắt giữ các tàu nước ngoài chở dầu của Iran và giải phóng một số tài sản của Iran bị phong tỏa trong các ngân hàng, nhưng chỉ vì mục đích nhân đạo (tiền sẽ được chuyển qua những công ty được kiểm soát ở thượng nguồn để bảo đảm rằng tiền không bị chuyển hướng đi nơi khác).
Cả Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Netanyahu đều tuyên bố rằng họ không bao giờ cho phép Iran chế tạo vũ khí nguyên tử. Nhưng nếu Iran tiếp tục làm giàu uranium với tốc độ hiện tại, nước này sẽ phát triển uranium “cấp độ quân sự” (90%) trong tương lai gần. Đối với một số người, “ranh giới đỏ” mà Mỹ và Israel vạch ra sẽ bị vượt qua. Do đó, việc Mỹ và Iran đang có những cuộc đàm phán không chính thức về chương trình hạt nhân của Tehran là một tín hiệu đáng mừng sau khi JCPOA bị phá hỏng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/no-luc-pha-bang-cua-my-va-iran-732492
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()