Nỗ lực ổn định tình hình tại Tây Ban Nha
Thủ tướng P.Xan-chét vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Thủ tướng P.Xan-chét lên lãnh đạo chính phủ tại Tây Ban Nha hồi tháng 6-2018, sau khi người tiền nhiệm M.Ra-hoi buộc phải từ chức vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này. Tuy nhiên, đến tháng 4-2019, ông P.Xan-chét phải kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm, vì các đảng ủng hộ độc lập tại vùng Ca-ta-lô-ni-a phản đối dự thảo ngân sách do chính phủ đề xuất. Không có đảng nào giành thế đa số trong cuộc bầu cử nêu trên, khiến Tây Ban Nha một lần nữa phải tổ chức bầu cử vào tháng 11-2019. Phải tổ chức bốn cuộc bầu cử trong vòng bốn năm, song chính trường Tây Ban Nha chỉ thoát khỏi bế tắc khi Thủ tướng P.Xan-chét thành lập được chính phủ liên minh giữa đảng Công nhân Xã hội (PSOE) và đảng Unidas Podemos (Chúng ta có thể), đồng thời vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Đây cũng là chính phủ liên hiệp đầu tiên tại Tây Ban Nha kể từ năm 1975.
Chính phủ mới tại Tây Ban Nha cam kết tập trung vào các ưu tiên như nâng mức lương tối thiểu, tăng thuế đối với những người có thu nhập cao và doanh nghiệp lớn, tạo việc làm, cải thiện các quyền về lao động, chống tham nhũng và chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng P.Xan-chét cũng khẳng định, chính quyền mới sẽ tăng cường đối thoại về các vấn đề chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, chính phủ mới tại Tây Ban Nha sẽ đối mặt nhiều thách thức trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình chính trị, xã hội. Nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) này có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha dự báo, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay và 1,6% năm 2021. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã tác động đến ngành công nghiệp ô-tô, vốn chiếm khoảng 10% GDP của Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, song vẫn ở mức 14%, cao thứ hai trong EU, chỉ sau Hy Lạp. Ngoài ra, tình trạng bất ổn kéo dài tại vùng Ca-ta-lô-ni-a là một bài toán khó chưa được giải quyết, đồng thời cũng là nhân tố gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Tây Ban Nha. Báo cáo tài chính của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho thấy, việc vùng Ca-ta-lô-ni-a đơn phương tuyên bố độc lập đã gây tổn hại cho ngành du lịch và cản trở hoạt động đầu tư tại xứ sở bò tót.
Các nhà phân tích cho rằng, một chính phủ ổn định và thống nhất, với đầy đủ năng lực và quyền hạn là điều kiện quan trọng hàng đầu để Tây Ban Nha tập trung phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Ca-ta-lô-ni-a. Tuy nhiên, do không có được thế đa số tuyệt đối, với chỉ 155 ghế trong tổng số 350 ghế tại Quốc hội, chính phủ thiểu số của Tây Ban Nha có thể gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các chính sách mới. Để thông qua các văn bản luật, chính phủ liên minh giữa PSOE và đảng Unidas Podemos sẽ phải thương lượng để có được sự nhất trí của các đảng phái khác trong Quốc hội. Trước năm 2015, về cơ bản, Tây Ban Nha có hệ thống chính trị gồm hai đảng chính là PSOE và đảng Nhân dân (PP). Tuy nhiên, sau đó, các đảng nhỏ bất ngờ trỗi dậy thay đổi truyền thống chỉ hai đảng tả và hữu thay nhau cầm quyền, dẫn tới sự phân mảng quyền lực trong cơ quan lập pháp.
Thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Tây Ban Nha đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, con đường hướng đến việc duy trì một nền chính trị ổn định, để tập trung phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, vẫn còn nhiều chông gai, đòi hỏi nhiều nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng P.Xan-chét.
Ý kiến ()