Nỗ lực ở Chi Lăng
LSO-Không chỉ giúp các xã hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế của người dân huyện Chi Lăng.
Mô hình hợp tác sản xuất cao khô ở xã Vạn Linh |
Thực tế cho thấy, trên cùng diện tích canh tác, cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng với việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hiệu quả kinh tế đem lại là khác hẳn nhau. Anh Vi Quang Điệp, thôn Làng Đăng, xã Quang Lang cho biết: Trước đây, sản xuất nông nghiệp của gia đình chủ yếu mang tính tự phát, không có liên doanh, liên kết nên nông sản thường rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá và ngược lại. Năm 2014, gia đình tham gia vào tổ hợp tác trồng khoai tây giống ở thôn. Khi tham gia vào tổ hợp tác, các tổ viên được công ty giống tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đồng thời có hợp đồng tiêu thụ cụ thể. Được hướng dẫn kỹ thuật, lại đảm bảo về mặt giá cả nên gia đình yên tâm phát triển sản xuất. Nếu trồng tự phát như những năm trước, trung bình mỗi sào khoai lãi 3 triệu đồng. Nhưng nếu đảm bảo các yêu cầu chất lượng theo cam kết giữa tổ hợp tác với phía doanh nghiệp tiêu thụ thì giá trị của một sào khoai tây có thể cao hơn nhiều.
Tương tự như vậy, nhận thấy được vai trò của việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nên thay vì sản xuất nhỏ lẻ như trước đây, giữa năm 2016, 16 hộ gia đình (chủ yếu ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng) đã thành lập hợp tác xã Phượng Hoàng. Mặc dù mới đi vào hoạt động song đến nay, hợp tác xã đã cho thấy rõ những ưu điểm mang lại cho các hộ nông dân. Cũng là phát triển cây ăn quả, rau màu nhưng khi tham gia hợp tác xã, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật về sản xuất rau quả sạch. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp được triển khai đồng bộ nên giảm thiểu chi phí song vẫn đảm bảo chất lượng…
Từ 2 trường hợp kể trên có thể thấy, sự khác biệt ở chỗ, khi tham gia hợp tác, các hộ gia đình có điều kiện để cùng tập trung sản xuất và đảm bảo chất lượng, giá thành sản phẩm, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa. Nhận thấy được vai trò của việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, nhất là công tác tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tham gia kinh tế hợp tác, để từ đó chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh việc phối hợp với ngành chức năng trong tuyên truyền, vận động, huyện còn chủ động tìm hiểu, hướng dẫn để các hộ dân phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, huyện có 4 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác với 195 tổ viên tham gia, 8 trang trại. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời còn giúp các xã hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đến nay, huyện đã có 14/19 xã đạt tiêu chí này.
Chỉ đạo về việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tại cuộc kiểm tra chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng vào trung tuần tháng 9/2016, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Chi Lăng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, xác định đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu để định hướng, lựa chọn một số cây, con chủ lực; triển khai hỗ trợ các mô hình điểm để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
TÂN AN
Ý kiến ()