Nỗ lực ngăn ngừa bạo lực súng đạn ở Mỹ
Vừa qua, Chính phủ Mỹ thành lập Văn phòng liên bang đầu tiên về phòng, chống bạo lực súng đạn, với kỳ vọng sẽ góp phần giúp đẩy lùi một “đại dịch” nhức nhối đang chia cắt nhiều gia đình và cộng đồng tại xứ cờ hoa.
Trực thuộc Nhà Trắng và dưới sự điều hành của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, nhiệm vụ chính của cơ quan này là thực thi và thúc đẩy Đạo luật lưỡng đảng về cộng đồng an toàn hơn (BSCA), cũng như tư vấn cho tổng thống những biện pháp bổ sung đối với một trong những lĩnh vực chính sách quan trọng của Đảng Dân chủ này. Đồng thời, xây dựng, điều phối hệ thống hỗ trợ tốt hơn cho những gia đình từng trải qua các vụ xả súng hàng loạt và bạo lực súng đạn. Thêm vào đó, trong trường hợp Quốc hội Mỹ không hành động, cơ quan này còn tìm cách thúc đẩy những nội dung mới mà Nhà Trắng có thể đơn phương thực hiện.
Người dân Mỹ tham gia một sự kiện kêu gọi chính quyền tăng cường ngăn ngừa bạo lực súng đạn vào tháng 9-2023. Ảnh: AFP |
Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Joe Biden đã quan tâm thúc đẩy thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát súng đạn như từng cam kết với cử tri. Trong khi Đảng Dân chủ phần lớn ủng hộ luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn để giảm số ca tử vong do bạo lực súng đạn thì Đảng Cộng hòa lại phản đối nhằm bảo vệ quyền sở hữu vũ khí được thiết lập trong hiến pháp. Tuy nhiên, trong một thỏa thuận bước ngoặt vào năm ngoái, hai đảng lần đầu tiên thông qua một gói biện pháp an toàn súng đạn mạnh mẽ hơn, được gọi là Đạo luật BSCA.
Lâu nay, bạo lực súng đạn trở thành một trong những vấn đề dai dẳng, khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nước này là nơi có tỷ lệ tử vong vì súng đạn cao nhất thế giới. Theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Gun Violence Archive chuyên theo dõi các vụ xả súng tại Mỹ, từ đầu năm tới tháng trước, xứ cờ hoa ghi nhận gần 30.200 trường hợp thiệt mạng vì bạo lực súng đạn.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/no-luc-ngan-ngua-bao-luc-sung-dan-o-my-748241
Ý kiến ()