Nỗ lực ngăn chặn xuất cảnh trái phép
LSO-Theo số liệu thống kê của UBND xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 100 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Người dân xã Bảo Lâm tham gia vào HTX Thương mại, dịch vụ Đoàn Kết thực hiện bốc dỡ hàng hóa |
Bảo Lâm là xã biên giới của huyện Cao Lộc. Toàn xã, hiện có gần 730 hộ dân với hơn 3.100 nhân khẩu, sinh sống rải rác ở 10 thôn, bản. Người dân sống chủ yếu làm nông lâm nghiệp là chính. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn chiếm 20,3% (theo tiêu chí mới 2016), hộ cận nghèo 17,6%.
Ông Triệu Ngọc Kim, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm cho biết: do trình độ dân trí của một số bộ phận người dân còn thấp; công việc không ổn định, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế… nên một số người dân trong xã đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Điển hình như trường hợp anh Đinh Văn Ngọc ở thôn Còn Kéo. Nhà chỉ có ít sào ruộng, lại là người có sức khỏe, nên sau mùa vụ là anh Ngọc cùng một số bạn bè trong xã rủ nhau xuất cảnh trái phép qua biên giới sang Trung Quốc làm thuê. Anh Ngọc cho biết: nhóm của anh sang làm nghề lăn sơn, công việc rất vất vả, tiền lương thì thường xuyên bị chủ giữ và không cho về. Tìm mọi cách, anh Ngọc mới trốn được về.
Việc công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, trong thời gian qua, xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bảo Lâm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân về các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các quy định về Luật xuất nhập cảnh, Luật cư trú và các văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể như: công an xã, tư pháp xã, hội phụ nữ xã, đoàn thanh niên… thường xuyên xuống từng thôn bản tuyên truyền nhằm nâng cao nhận để người dân hiểu và không tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Thống kê, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản được 12 cuộc với hơn 10 nghìn lượt người nghe. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể lượng người dân trên địa bàn xã xuất cảnh trái phép qua biên giới.
Chị Hoàng Thị Hương ở thôn Còn Kéo, xã Bảo Lâm tâm sự: tôi đã học và tốt nghiệp trung cấp y, nhưng do không xin được việc làm, bạn bè rủ, tôi có ý định sang Trung Quốc làm thuê, nhưng được Hội phụ nữ xã và các đoàn thể trong xã tuyên truyền về những mối nguy hiểm của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp, tôi đã gom góp được một ít vốn, cùng nguồn hỗ trợ từ gia đình để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt ngay tại địa bàn.
Bà Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bảo Lâm cho biết: để hạn chế tình trạng người dân tự ý xuất cảnh trái phép, ngoài việc tuyên truyền vận động đến người dân thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành. Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã nói riêng và các xã biên giới trên địa bàn tỉnh nói chung. Có như vậy thì mới thu hút được lao động nông nhàn tham gia sản xuất tại chỗ, qua đó sẽ hạn chế tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()