Nỗ lực ngăn chặn làn sóng di cư ở châu Phi
Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) về người di cư, với tên gọi Hội nghị đoàn kết, đã khai mạc tại thủ đô Kampala của Uganda, do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống nước chủ nhà Yoweri Museveni chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước trong khu vực.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng, năng lực quản lý yếu kém của các chính phủ là một phần nguyên nhân gây ra làn sóng di cư ồ ạt tại châu lục. Các nhà lãnh đạo châu Phi kêu gọi LHQ và các tổ chức quốc tế gia tăng nỗ lực giúp chấm dứt các cuộc khủng hoảng, xung đột tại nhiều nước, nguyên nhân chính khiến làn sóng người di cư, tị nạn gia tăng.
* Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp, cứu giúp hàng triệu trẻ em đang có nguy cơ chết đói do suy dinh dưỡng, đói khát và dịch bệnh, tại các nước trải dài từ châu Phi đến Trung Ðông. UNICEF chỉ rõ, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đang đe dọa mạng sống của hàng triệu trẻ em ở Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Ngoài ra, khủng hoảng lương thực, nước và y tế cũng đang đe dọa hàng triệu trẻ em trên toàn bộ vùng Sừng châu Phi, vùng Lòng chảo Hồ Sát và khu vực Sahel.
* Theo báo cáo nghiên cứu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) vừa công bố, châu Phi là khu vực chịu tác động mạnh nhất của tình trạng hạn hán kéo dài. Giai đoạn 2005 – 2016, có tới 34 quốc gia tại châu Phi gánh chịu tác động nặng nề của 84 đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ là nạn đói, bất ổn về chính trị và an ninh, mà còn là thiệt hại kinh tế hơn tám tỷ USD mỗi năm. Theo LHQ, hơn hai triệu người đang bị thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng do tình trạng hạn hán kéo dài ở khu vực Ðông Phi.
* Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 23-6 kêu gọi các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) nhanh chóng thực hiện cam kết cung cấp tài chính đối với châu Phi, nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Tại
Hội nghị cấp cao EU hồi tháng 11-2015 ở Malta, EU đã cam kết với các đối tác châu Phi cùng giải quyết tận gốc vấn đề người nhập cư, hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ châu Phi dự kiến trị giá 1,8 tỷ euro (gần hai tỷ USD). Tuy nhiên, đến nay, các nước thành viên mới chỉ góp được 223 triệu USD.
* Trong phiên họp cuối của Hội nghị cấp cao EU, ngày 23-6, các nhà lãnh đạo EU nhất trí tiếp tục kiểm soát các đường biên giới bên ngoài khối nhằm ngăn dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu, đồng thời cải cách hệ thống chính sách tị nạn và đẩy nhanh thực thi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người di cư. EU cho rằng, dòng người nhập cư, chủ yếu vì lý do kinh tế, trên tuyến Trung Ðịa Trung Hải vẫn là thách thức đáng lo ngại.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()