Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu
Gia công hàng may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Ðồng Tiến (Ðồng Nai).
Nguy cơ dừng sản xuất vì thiếu cầu
Theo Bộ Công thương cho biết, với nhiều ngành sản xuất trong nước hiện nay, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu đều là giãn thời gian giao hàng, hoãn các đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Nhiều ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đều hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ giữa tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, nhất là EU và Mỹ – vốn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, sản xuất gỗ hứng chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi thị trường Mỹ chiếm tới 50%, EU chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ðại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu đã phải giảm dần công suất. Nếu tình hình không được cải thiện, sau một đến hai tuần, các DN này sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Và khoảng một tháng sau, nhiều DN sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Còn các DN làm hàng nội địa cũng chỉ sản xuất cầm chừng, duy trì 10 đến 15% công suất nhà máy.
Tương tự, thị trường Mỹ và EU cũng đang lần lượt chiếm khoảng 45% và 13% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Trong khi đó, các ngành này lại chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% là xuất khẩu. Do đó, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của hai thị trường nêu trên trong bối cảnh phong tỏa bởi dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành dệt may, da giày. Cụ thể, với dệt may, ước tính đơn hàng sẽ giảm khoảng 70% trong tháng 4, tháng 5 và khả năng phục hồi sẽ chậm cho đến cuối năm. Còn với da giày, tổng số đơn hàng bị hủy của toàn ngành tại các thị trường Mỹ và EU ước tính chiếm đến khoảng 70%. Nếu không có chuyển biến, dự kiến phần lớn các DN da giày sẽ chỉ hoạt động được đến hết tháng 4 này. Khó khăn của hai ngành này sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam vì đang chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một số ngành sản xuất quan trọng khác như điện tử dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, tỷ lệ đơn hàng vẫn giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30 đến 50%. Trong khi đó, tỷ lệ đơn hàng bị khách hàng yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao, khoảng từ 20 đến 40%, nhất là thị trường EU, phần lớn các đơn hàng tôm đã bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng. Việc ký các đơn hàng mới rất khó khăn, các DN nhỏ và vừa gần như không có đơn hàng mới trong quý II và quý III tới.
Khơi thông các kênh xuất khẩu
Ðể hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước, nhất là nhiệm vụ khơi thông đầu ra cho hoạt động xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp cấp bách trước mắt, đồng thời tính tới các giải pháp lâu dài hơn. Theo đó, tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa, tìm kiếm các thị trường thay thế phù hợp đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam; ưu tiên lựa chọn trên các tiêu chí về nhu cầu thị trường, ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có cũng như khả năng đáp ứng của sản phẩm trong nước. Các hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được giao nhiệm vụ rà soát, tìm hiểu thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường; đồng thời, tiến hành kết nối thường xuyên với các hiệp hội và DN sản xuất lớn ở trong nước để nắm rõ nhu cầu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể của các đơn vị và kết nối với các đối tác nước ngoài.
Riêng đối với thị trường EU, cần tập trung hoàn tất các công việc để sớm thông qua FTA Việt Nam – EU (EVFTA), đồng thời sẵn sàng chuẩn bị nhằm triển khai có hiệu quả ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Về việc này, Bộ Công thương đã có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và thông tin tới các bộ, ngành để triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi những cam kết, cũng như nội dung cần được thực thi ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với đó, Bộ Công thương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hiệp định EVFTA, xây dựng dự thảo các định hướng lớn và nội dung chính của kế hoạch để đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn hiệp định. Còn với thị trường Mỹ, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và nhất là cộng đồng DN cần nghiên cứu kỹ nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền nước này thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng của Mỹ để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp; tiếp tục tập trung xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai bên, nhất là các nội dung trong khuôn khổ Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA).
Về việc gần đây phía Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại qua các khu vực biên giới, trong đó, tăng cường quản lý đối với lái xe hàng qua biên giới; rút ngắn thời gian thông quan đối với trao đổi cư dân biên giới; chỉ duy trì hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa tại một số cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn…, tác động trực tiếp đến tình hình tiêu thụ của các DN Việt Nam. Bộ Công thương sẽ tiếp tục thu xếp điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc để thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc này, bảo đảm cho hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của DN, cư dân hai bên được thông suốt. Ðồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc sớm với phía Trung Quốc để đẩy nhanh việc cho phép một số nông sản của nước ta được chính thức xuất khẩu sang thị trường này. Ðây là tiền đề hết sức quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu ba tháng đầu năm 2020 cả nước ước đạt 59,1 tỷ USD, tăng 0,5% so cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của năm 2019 là 5,2%. Ðây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực khi hai tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Thái-lan giảm 0,81%; Xin-ga-po giảm 3,3%; Nhật Bản giảm 1,7%;… (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) |
Theo Nhandan
Ý kiến ()