Nỗ lực “làm mới” hợp tác xã nông nghiệp
Từ ngày 1/7/2024, Luật Hợp tác xã năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Hợp tác xã hiện hành với nhiều điểm mới giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Tại Đà Nẵng, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã hoạt động có hiệu quả, góp phần phát huy vai trò kinh tế hộ, song quá trình phát triển cũng gặp nhiều khó khăn...
Thực tế hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong hơn 10 năm qua cho thấy cần sớm hoàn thiện hơn chính sách giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.
Cú huých để các hợp tác xã vươn mình
Mùa gặt năm nay, trên những cánh đồng lúa hữu cơ thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), hàng chục máy gặt đập liên hợp chạy phăng phăng cắt, đóng lúa vào bao. Số lúa này được tiêu thụ, vận chuyển đến hệ thống nhà xưởng gồm: lò sấy thóc, máy xay xát, máy đóng gói, hút chân không,... để cho ra sản phẩm gạo hữu cơ OCOP 3 sao. Đây là những dịch vụ mới từ khi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), một hợp tác xã sản xuất lúa giống truyền thống của Đà Nẵng đang vươn mình phát triển.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Ngô Văn Sinh chia sẻ, thành lập từ năm 1977, giai đoạn đầu hợp tác xã chưa mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế hộ. Cho đến khi thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, Hòa Tiến 1 có nhiều bước đột phá. Từ nguồn lực của các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, những năm qua, hợp tác xã lập kế hoạch, hướng dẫn cho thành viên ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc 481 ha lúa cho năng suất cao, hình thành 12 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP; liên kết các đơn vị sản xuất 75 ha lúa giống Hà Phát 3, thiết lập đầu mối tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Đến nay, hợp tác xã hoạt động với quy mô sáu thôn gồm 1.385 hộ thành viên; tổng doanh thu năm 2023 đạt hơn 4 tỷ đồng, lãi sau thuế 80 triệu đồng, đạt mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. “Hiện tại hợp tác xã đóng vai trò là “bà đỡ” giúp thành viên nắm bắt và hưởng lợi từ cơ chế, đổi mới chính sách của Nhà nước để phát triển kinh tế tốt hơn”, ông Sinh nói và cho rằng, hợp tác xã kiểu mới mang lại lợi ích, giá trị kinh tế nhiều hơn, bền vững hơn cho thành viên và cộng đồng.
Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các HTXNN trên địa bàn thành phố hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 coi trọng hoàn thiện bộ máy quản lý hợp tác xã và bộ máy điều hành hoạt động hợp tác xã. Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), một trong năm hợp tác xã của Đà Nẵng tham gia thí điểm Đề án của Chính phủ về nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Ông Bùi Dũng, nguyên Giám đốc Hợp tác xã Túy Loan cho biết, hợp tác xã từng bước xác định các chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị, giám đốc, kiểm soát viên, kế toán,...; đồng thời, quán triệt quy định góp vốn của thành viên hợp tác xã.
Ngoài việc là “cây gậy” thúc đẩy các hợp tác xã chuyển đổi theo luật định, Luật Hợp tác xã năm 2012 còn là “củ cà rốt” khuyến khích sự ra đời và phát triển của các HTXNN kiểu mới. Tính đến tháng 4/2024, Đà Nẵng có 154 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó 66 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 88 hợp tác xã phi nông nghiệp, thu hút 9.552 thành viên và giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Nổi bật trong đó là sự ra đời của các hợp tác xã du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Nhờ được khai thác và quản lý thông qua hợp tác xã, các mô hình du lịch nông nghiệp này đã tăng tính hợp tác, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư, qua đó giữ được nét độc đáo của văn hóa từng vùng quê.
Động lực mới từ nguồn nhân lực trẻ
Thực tiễn phát triển của các HTXNN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành công bước đầu, năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ trẻ kế cận để thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý đã lớn tuổi. “Tre già, măng mọc” là lẽ thường, nhưng đối với các HTXNN là điều không dễ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Ngô Văn Sinh, đặc thù của HTXNN chủ yếu là các dịch vụ làm nông, cho nên người trẻ thường không mặn mà, đồng thời mức lương cũng chưa đáp ứng nhu cầu của họ. “Phần lớn nhân sự ở đây cũng đã lớn tuổi, nhưng mới có một cán bộ trẻ. Để cán bộ trẻ về HTXNN làm việc, thì tốt nhất là hợp tác xã tuyển người địa phương có tâm huyết với nghề nông”, ông Sinh chia sẻ.
Một trong những vấn đề quan trọng được thành phố quan tâm đẩy mạnh lúc này là đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ, hoàn thiện bộ máy quản lý các HTXNN theo hướng tinh gọn và trẻ hóa. Quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng và Liên minh Hợp tác xã thành phố đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, tổ chức thực hiện yêu cầu, mục tiêu Nghị quyết đề ra bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 72/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang đã hỗ trợ đưa bốn lao động trẻ phân về ba HTXNN trên địa bàn huyện đảm nhiệm các chức danh quản lý và điều hành, với mức hỗ trợ lương hằng tháng gấp 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, hỗ trợ công tác phí 500 nghìn đồng/người/tháng và chi phí tham gia các khóa bồi dưỡng.
Bên cạnh củng cố nhân lực trẻ cho các hợp tác xã đang hoạt động, Liên minh Hợp tác xã thành phố cũng hỗ trợ, tư vấn cho các sáng lập viên trẻ thành lập hợp tác xã. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hiền cho biết, thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp từ hợp tác xã trên địa bàn thành phố của một số thanh niên phát triển tương đối mạnh mẽ. Các HTXNN giờ đây không chỉ có mỗi nông dân, mà còn có nhiều tân cử nhân tham gia quản lý, điều hành hoạt động. “Trong một tuần, chúng tôi đã tiếp bảy nhóm sáng lập viên nhờ tư vấn để thành lập hợp tác xã. Nhiều người trẻ khi ra trường thay vì đi làm cho các doanh nghiệp, hay mở công ty để khởi nghiệp, đã cùng nhau thành lập hợp tác xã để khởi nghiệp. Quy định phải có ít nhất bảy thành viên để thành lập hợp tác xã, và sắp tới là tối thiểu năm thành viên theo Luật Hợp tác xã năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, thu hút cộng đồng tham gia hợp tác xã”, ông Hiền chia sẻ.
Tại Hội nghị kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đánh giá trong thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố có nhiều sự đổi mới tích cực, cơ bản phát huy được nhân tố trẻ năng động và sáng tạo, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng chí đề nghị Liên minh Hợp tác xã thành phố chủ động đánh giá hiệu quả và đề xuất các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã ngay khi triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm thổi “làn gió mới” vào hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn.
Ý kiến ()