Nỗ lực khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội
Ngày 25-5, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường, nghe Chính phủ trình Dự án Luật Thống kê (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của QH trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thống kê (sửa đổi), và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Còn hạn chế trong bảo đảm an toàn cho người lao động
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLÐ), các đại biểu QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí cao với dự án Luật khi quy định cụ thể các chính sách đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động, gồm: quyền và nghĩa vụ của người lao động; thông tin, tuyên truyền, giáo dục về AT,VSLÐ; huấn luyện AT,VSLÐ; khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động; điều tra tai nạn lao động (TNLÐ), sự cố an toàn lao động nghiêm trọng; chính sách bảo hiểm TNLÐ theo hình thức tự nguyện cho người lao động; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm AT,VSLÐ.
Trong thực tế, công tác bảo đảm sức khỏe và an toàn của người lao động tại nhiều nơi chưa được chú trọng đầy đủ, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm. Theo đó, các đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị dự án Luật cần quan tâm hàng đầu việc kiểm soát để phòng, tránh tai nạn lao động. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể để người lao động có quyền tham gia thực hiện, giám sát quy trình bảo đảm AT, VSLÐ. Các chủ sử dụng lao động phải có các hoạt động cụ thể chăm lo sức khỏe người lao động, như tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp… Dự án Luật cần quy định xử lý nghiêm những chủ sử dụng lao động để xảy ra các tai nạn lao động. Các cơ quan, bộ, ngành còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác bảo đảm AT, VSLÐ. Việc thanh tra, kiểm tra AT, VSLÐ cần phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ với trách nhiệm cao để không xảy ra các tai nạn lao động, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người lao động. Có ý kiến đề nghị, Chính phủ cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ cho người lao động sau khi được điều trị TNLÐ, bệnh nghề nghiệp và quay lại làm việc.
Trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Chính phủ trình Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và nghe Ủy ban Kinh tế của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn
Thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai), Lê Hữu Ðức (Khánh Hòa), Phạm Quang Khải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu khác thể hiện sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, chưa nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, hạn chế của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung nội dung này để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục phù hợp.
Nhiều đại biểu QH quan tâm những khó khăn của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn diễn ra ở nhiều nơi mà chưa có giải pháp tháo gỡ kịp thời; người nông dân chưa được hỗ trợ, chưa được định hướng cho nên đời sống còn rất khó khăn, vất vả. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, đáng chú ý là: Quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa sát với thực tế cuộc sống lao động của người nông dân; chủ trương đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa phát huy hiệu quả. Ðề án tái cơ cấu nền nông nghiệp triển khai quá chậm, các địa phương còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường chưa sát thực tế, nông dân phát triển nuôi trồng tự phát, dẫn đến việc sản phẩm lúc thừa, lúc thiếu. Ðồng thời, việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân gặp khó khăn, nhất là các sản phẩm như: dưa hấu, vải thiều, thanh long… Ngoài ra, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi chưa hiệu quả do tiêu chí đưa ra không sát thực, gây ra sự lãng phí và khiến người dân thiếu tin tưởng.
Từ thực trạng này, các đại biểu QH đề nghị, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan cần chỉ đạo sát và quyết liệt hơn nữa những chính sách, giải pháp đã được ban hành nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và ổn định đời sống người nông dân, không để tình trạng “được mùa, rớt giá” tồn tại từ năm này sang năm khác. Tăng cường khả năng, chất lượng của công tác dự báo trong sản xuất nông nghiệp để định hướng bà con sản xuất, nuôi trồng hợp lý, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…
Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh
Một trong những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua là bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính ở nhiều nơi còn hạn chế, hình thức. Ðề cập nội dung này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, có tình trạng nhiều công chức trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trong đó, có cơ quan nhà nước thành lập 10 năm nay không có việc làm, nhưng ngân sách nhà nước “rót” xuống hằng năm đều chi hết, hoặc quy định nhiệm vụ không phù hợp với đơn vị hành chính, có chỗ nhiều việc, có chỗ ít việc. Thực tế hiện nay, nhiều ngành, tổ chức công việc đan xen, chồng chéo nhau… Thực trạng nêu trên không chỉ làm cho bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả mà còn gây lãng phí ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, các đại biểu đề nghị QH, Chính phủ khi xây dựng các đạo luật liên quan bộ máy hành chính nhà nước cần nghiên cứu, khảo sát thực tế, bảo đảm bộ máy hành chính tinh gọn, thiết thực, hiệu quả.
Ðề cập việc cải cách thủ tục hành chính trong bộ máy cơ quan nhà nước, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, việc cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta thời gian qua có cải thiện. Song những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp người dân, nhất là tại các thành phố lớn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, như: các thủ tục liên quan đất đai, việc cấp sổ đỏ; thủ tục giải quyết bảo hiểm y tế… Không chỉ đối với người dân ở các thành phố lớn, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa rất bất bình và thất vọng với hiệu quả thực chất của cải cách thủ tục hành chính ở địa phương, bởi có người dân đã được chính quyền hẹn gặp đến 10 lần mới giải quyết được thủ tục, giấy tờ. Trong khi, ở miền núi, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Như vậy, kết quả của cải cách thủ tục hành chính còn nằm trên những báo cáo mà chưa được biểu hiện rõ nét trong thực tế cuộc sống. Do vậy, các đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính với những cách làm cụ thể, thiết thực, hướng về người dân, doanh nghiệp bằng trách nhiệm và tâm huyết chứ không chỉ bằng những khẩu hiệu…
Thảo luận tại tổ, một số đại biểu QH bày tỏ lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Ðồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Ðại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) Các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đang quyết tâm đưa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào hoạt động ngày 31-12-2015. Các chuyên gia kinh tế của các nước trong khối rất quan tâm việc Việt Nam đã chuẩn bị những gì để gia nhập cộng đồng này. Ðến nay, các cơ quan quản lý, các đơn vị, các doanh nghiệp nước ta đã có kế hoạch cho sự hội nhập cộng đồng nhưng còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức. Ðây là vấn đề rất cần được đẩy mạnh hơn nữa bằng những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Nếu không nền kinh tế nước ta sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực. |
Ðại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi phản ánh quá trình phát triển, các cơ quan báo chí cần thông tin khách quan cả những thành tựu và hạn chế, yếu kém. Gần đây, có những thông tin không khách quan, chỉ nêu những mặt hạn chế với mục đích giật gân, câu khách, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với sự phát triển của đất nước. Ðề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan cần chú trọng việc định hướng, quản lý việc thông tin, bảo đảm khách quan, chính xác. |
Ðại biểu Nguyễn Ðắc Vinh (Ðác Nông) Dự án Luật AT, VSLÐ cần có quy định để tạo điều kiện cho người lao động tham gia quá trình giám sát, kiểm tra các yếu tố chung quanh công tác bảo đảm AT, VSLÐ bởi họ chính là những người liên quan, chịu ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời thấu hiểu điều kiện làm việc thực tế. Nếu làm tốt điều này sẽ góp phần hạn chế xảy ra các tai nạn lao động, qua đó bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()