Nỗ lực khắc phục khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cấp xã
– Trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, năng lực của đội ngũ công chức còn hạn chế… đó là những khó khăn tồn tại nhiều năm qua trong công tác giải quyết TTHC ở cấp xã. Tuy nhiên, chính quyền cấp xã trong địa bàn tỉnh đã bằng nhiều giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa công tác giải quyết TTHC từng bước đạt hiệu quả.
Công Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giải quyết TTHC còn rất thiếu thốn, bộ phận “một cửa” chỉ có diện tích 20 m2 chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra (tối thiểu 40 m2), chưa bố trí được khu vực ngồi chờ cho người dân khi đến giao dịch. Không vì thế mà chất lượng giải quyết TTHC bị ảnh hưởng, hiện tại, UBND xã đang niêm yết công khai 101 TTHC tại bộ phận “một cửa” thuộc thẩm quyền, tính từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận (5.065 hồ sơ TTHC).
Công chức Bộ phận “một cửa” xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc tiếp nhận hồ sơ TTHC từ người dân
Ông Triệu Trần Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Để khắc phục khó khăn, hằng năm, UBND xã ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC. Để làm được điều đó, UBND nỗ lực giải quyết TTHC nhanh, gọn, đúng quy định cho người dân, không để người dân đi lại nhiều lần. Đối với những thủ tục đơn giản thuộc lĩnh vực tư pháp – hộ tịch, chúng tôi đẩy mạnh giải quyết theo quy tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, xử lý, trả kết quả tại chỗ) để người dân không phải đi lại nhiều lần.
Tương tự, xã Chí Minh, huyện Tràng Định cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác giải quyết TTHC. Trình độ dân trí trên địa bàn xã chưa cao, người không biết chữ chiếm 15% dân số của xã nên công chức ở bộ phận “một cửa” phải hướng dẫn, giải thích nhiều lần, trong đó, nhiều người dân vẫn không hoàn thiện được hồ sơ, gây khó khăn cho cán bộ khi xử lý công việc. Ông Chu Tuấn Doanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: Để giúp bà con hoàn thiện hồ sơ, cán bộ “một cửa” của xã đã tăng cường hỗ trợ hướng dẫn, giải thích. Với trường hợp người dân không biết chữ, không biết viết tờ khai thì cán bộ “một cửa” tận tình kê khai giúp.
Không chỉ tại 2 xã trên, đây cũng là khó khăn chung của gần 200 đơn vị cấp xã còn lại trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và hướng dẫn của UBND các huyện, thành phố, chính quyền cấp xã đã nỗ lực khắc phục khó khăn đưa công tác giải quyết TTHC từng bước đạt hiệu quả. Hằng năm, UBND cấp xã đã ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC, trong đó, chỉ đạo bộ phận công chức chuyên môn thực hiện nghiêm túc mục tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, UBND cấp xã toàn tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 200 bộ phận “một cửa”, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông. Ngoài ra, UBND cấp xã đã bố trí bảng niêm yết công khai 101 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại bộ phận “một cửa” ở vị trí thuận tiện để người dân dễ nhìn. Đặc biệt, bố trí bàn làm việc của lãnh đạo UBND cấp xã tại bộ phận “một cửa” để giám sát các hoạt động, phục vụ công tác điều hành, cũng như nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Nhờ đó, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến hết quý 1 năm 2021, UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp nhận 754.236 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 753.544 hồ sơ, trong đó, có 753.528 trước và đúng hạn, đạt tỷ lệ 99,9%. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Những năm qua, mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng chính quyền cấp xã đã nỗ lực nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện hỗ trợ cấp xã về cơ sở vật chất, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức chuyên môn các cấp, trong đó có cấp cấp xã.
Ý kiến ()