Nỗ lực khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế của Venezuela
Ngày 19/1/2016, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã yêu cầu thay đổi hoàn toàn mô hình kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ ở nước này bằng một mô hình sản xuất đa dạng và hội nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được coi là bước đi đột phá nhằm khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế của Venezuela.
Khó khăn chồng chất không chỉ do giá dầu
Ngay trong thông điệp đầu năm trước Quốc hội, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thừa nhận những bế tắc của nền kinh tế nước này trong suốt năm vừa qua, do ảnh hưởng của việc giá dầu thế giới lao dốc.
Đặc biệt, việc giá dầu thế giới giảm xuống mức chỉ còn khoảng 27 USD/thùng trong tuần này, mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, càng khiến nền kinh tế Venezuela vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hiện giá dầu của Venezuela được giao dịch ở mức 24 USD/thùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của quốc gia này, bởi dầu khí là nguồn thu chính của nước này khi chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dầu của Venezuela chỉ đạt 42,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 74 tỷ USD năm 2014. Giá dầu giảm đã khiến dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến người dân Venezuela phải chịu cảnh thiếu thốn trầm trọng các nhu yếu phẩm hàng ngày và xếp hàng dài trước các cửa hiệu. Theo Tổng thống Nicolas Maduro, điều này là do Venezuela không có một bộ máy kinh tế và sản xuất vững chắc, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, ông Maduro cũng thừa nhận vẫn chưa có sự liên kết và thỏa thuận giữa các công ty vừa và nhỏ đa phần do các tư nhân nắm giữ, cũng như những bất cập trong chính sách tỷ giá hối đoái, góp phần đẩy kinh tế nước này chìm sâu vào khủng hoảng.
Tình hình trên đã buộc Chính phủ Venezuela phải ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày bắt đầu từ ngày 16/1, nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như: Giáo dục, sức khỏe, nhà ở và thể thao. Ông Maduro cũng cho biết, Quốc hội Venezuela đã thành lập một ủy ban đặc biệt và bắt đầu xem xét sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp lần này. Theo điều 338 của Hiến pháp Venezuela, Chính phủ được quyền tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong những tình huống đặc biệt của quốc gia trong 60 ngày và có thể kéo dài thêm 60 ngày nữa. Trước đó, Tổng thống Maduro đã nhiều lần tố cáo phe cánh hữu đối lập được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại chính phủ nhằm gây nên tình trạng bất ổn.
Nỗ lực vượt khó
Nhằm giải quyết tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay của đất nước, Phó Tổng thống Venezuela Aristobulo Istúriz cho biết, chính phủ nước này sẽ tập trung triển khai các chương trình xã hội như: Giáo dục, y tế và trợ cấp lương thực tại hàng nghìn cộng đồng dân cư. Phó Tổng thống Istúriz nhấn mạnh, các chương trình xã hội được triển khai từ cấp cơ sở là chủ trương mà chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn trong tương lai để thực hiện cuộc chiến chống đói nghèo. Tại các cộng đồng có đông người nghèo sinh sống, việc tiếp cận trực tiếp với người dân sẽ giúp phát hiện những khó khăn và từ đó xác định những ưu tiên cần giải quyết.
Chính phủ cũng đã tiến hành họp với các nhà sản xuất để xem xét những lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên phát triển và lên kế hoạch canh tác hơn 2 triệu hécta để sản xuất 19 triệu tấn lương thực, tăng 26% so với năm 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi toàn dân đoàn kết vì hòa bình và dân chủ bất chấp những bất đồng giữa Chính phủ và Quốc hội. Ông Maduro cũng kêu gọi Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, yêu cầu Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”. Nhà lãnh đạo Venezuela cũng hối thúc các thành viên Quốc hội nghiên cứu sắc lệnh về tình trạng kinh tế khẩn cấp. Ông Maduro cũng bày tỏ nhân dân đang chờ đợi những chính sách giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay và điều này không chỉ phụ thuộc vào chính phủ, mà còn phụ thuộc vào đối thoại minh bạch và thẳng thắn giữa các đảng phái chính trị và các thành phần trong xã hội.
Trong một động thái mới nhất, ngày 19/1, Venezuela đã thành lập Hội đồng Quốc gia về kinh tế sản xuất, với sự tham dự của 23 thống đốc bang, người đứng đầu chính quyền các huyện, các thị trưởng và đại diện các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân. Tổng thống Venezuela khẳng định, việc thành lập Hội đồng Quốc gia về kinh tế sản xuất là nhằm tập hợp và khuyến khích sự tham gia của các thành phần muốn chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hội đồng mới thành lập sẽ có vai trò tư vấn chính sách kinh tế cho Tổng thống trên cơ sở đối thoại thẳng thắn.
Cũng trong cuộc họp này, Tổng thống Venezuela đã yêu cầu thay đổi hoàn toàn mô hình kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ ở nước này bằng một mô hình sản xuất đa dạng và hội nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được coi là một trong những ưu tiên lớn của Venezuela. Mặc dù vậy, nghị sĩ Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền, Francisco Torrealba, vẫn dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này sẽ còn kéo dài ít nhất trong vòng ba tháng tới đây.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, khoảng 59% người Venezuela được hỏi đều cho rằng, Quốc hội do Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập chiếm đa số nên gạt bỏ những mâu thuẫn chính trị và hợp tác với Chính phủ của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của đất nước.
Ông Eleazar Diaz Rangel, nhà phân tích chính trị đồng thời là Giám đốc nhật báo Ultimas Noticias cho rằng, phần lớn những cử tri bỏ phiếu cho liên minh đối lập MUD đều tin tưởng rằng, Quốc hội mới sẽ giúp giải quyết tình hình kinh tế bế tắc kéo dài suốt năm qua và sẽ ngày càng có nhiều người dân Venezuela yêu cầu Chính phủ và Quốc hội đạt được sự nhất trí, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nhằm thúc đẩy sản xuất và dần dần khôi phục nền kinh tế, đặc biệt là nguồn cung lương thực./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()